Tín dụng đã tăng 10%, vẫn còn nhiều dư địa cấp vốn
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tính đến ngày 31/10/2024, tín dụng tăng 10,08% so với cuối năm 2023, tăng 16,65% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 tăng 7,4%). Như vậy, so với mục tiêu tăng trưởng 15%, các ngân hàng vẫn còn nhiều dư địa cấp vốn trong 2 tháng cuối năm.
Lãi suất giảm "kích" tín dụng bật tăng
Trong điều hành chính sách tiền tệ, NHNN đã ổn định lãi suất điều hành và chỉ đạo ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí hoạt động, chuyển đổi số mạnh mẽ, công khai lãi suất cho vay bình quân để doanh nghiệp, người dân tiếp cận.
Theo đó, lãi suất cho vay bình quân đối với các khoản cho vay mới và cũ tiếp tục giảm mạnh, lãi suất cho vay bình quân năm 2023 giảm hơn 2,5%/năm so với cuối năm 2022; đến ngày 20/10/2024 tiếp tục giảm 0,76%/năm so với cuối năm 2023.
Thống kê từ báo cáo tài chính quý III/2024 cho thấy, tăng trưởng tín dụng của nhiều nhà băng rất khả quan.
Điển hình, MB tăng trưởng tín dụng 13,5% tính đến hết tháng 9. Dư nợ cho vay khách hàng riêng ngân hàng mẹ tăng trưởng tốt, đạt 664.452 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2023, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, công nghiệp phụ trợ.
Tại VIB, dư nợ tín dụng đạt hơn 298.000 tỷ đồng, tăng gần 12% so với đầu năm, cao hơn so với mức trung bình ngành là 9%. Đặc biệt, trong riêng quý III, VIB tăng trưởng tín dụng đạt gần 7% và là một trong những ngân hàng bán lẻ có tăng trưởng tín dụng tốt nhất ngành. Động lực tăng trưởng cả ở 4 mảng phân khúc trọng tâm là bán lẻ, khách hàng doanh nghiệp, SME và định chế tài chính, thông qua các sản phẩm vay có lãi suất cạnh tranh nhờ việc tối ưu hóa chi phí huy động cùng quy trình đơn giản, linh hoạt và nhanh chóng.
Tương tự, trong 9 tháng, dư nợ tín dụng của ACB tăng khoảng 14% so với đầu năm; tại HDBank, dư nợ tín dụng đến hết tháng 9 đạt 412.000 tỷ đồng, tăng 16,6% so với đầu năm; LPBank cho vay khách hàng tăng 16,1%, đạt 319.770 tỷ đồng; Techcombank tăng trưởng tín dụng 17,4% so với đầu năm, lên 622.100 tỷ đồng…
Động lực chính tạo ra con số lợi nhuận ấn tượng của Techcombank trong 9 tháng đầu năm đến từ thu nhập lãi thuần (NII). Với mức tăng trưởng 33,9% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 26.906 tỷ đồng, NII đóng góp 72% tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng.
Theo lý giải của Techcombank, ngân hàng đã mở rộng được danh mục tín dụng vào nhóm khách hàng cá nhân, đặc biệt là nhu cầu vay mua nhà đã giúp Techcombank gia tăng khả năng sinh lời từ các khoản vay có lợi suất tốt và ổn định. Cụ thể, dư nợ khách hàng cá nhân tăng 6,0% trong quý III và 13,2% so với đầu năm, đạt kỷ lục 193.600 tỷ đồng. Trong khi đó, tín dụng doanh nghiệp ghi nhận mức tăng 2,9% trong quý III và 16,3% so với đầu năm, lên 395,1 nghìn tỷ đồng.
Tương tự, tại các nhà băng quy mô vừa và nhỏ, nguồn thu từ lãi chiếm đến 80 - 90% tổng thu nhập. Chẳng hạn, lợi nhuận trước thuế quý III/2024 của VietABank đạt 230 tỷ đồng, tăng 265% so với cùng kỳ năm 2023; lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt 793 tỷ đồng, tăng 34%, tăng trưởng tín dụng đạt 6,6%.
Trong khi đó, động lực chính của đà tăng trưởng lợi nhuận quý III tại VietABank đến từ hoạt động cốt lõi là tín dụng, với thu nhập lãi thuần đạt 462 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ. Hay tại PGBank, trong quý III, thu nhập lãi thuần - nguồn thu chính của ngân hàng - là điểm sáng khi tăng trưởng tới 50% so với cùng kỳ năm 2023, mang về 416 tỷ đồng.
Dư địa cấp vốn của các ngân hàng ra sao?
Theo tìm hiểu, vào cuối tháng 8, các ngân hàng đã hoàn thành mức từ 80% chỉ tiêu NHNN đã thông báo đầu năm 2024 như ACB, HDBank, LPBank, Techcombank… được tăng room tín dụng lên mức 18 - 18,7%. Với hạn mức này, các ngân hàng còn dư địa tăng trưởng tín dụng để có thể cấp vốn cho nền kinh tế.
Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB kỳ vọng trong thời gian từ nay đến cuối năm, tăng trưởng tín dụng dần được cải thiện. ACB tiếp tục đẩy mạnh cung ứng vốn với lãi suất ưu đãi ra thị trường, cho vay linh hoạt để làm sao vừa hỗ trợ được doanh nghiệp, vừa thúc đẩy tăng trưởng của ngân hàng.
"Ngân hàng chúng tôi đã có sự tăng trưởng tín dụng khá tích cực trong thời gian qua và hạn mức tín dụng còn lại để tăng trưởng khoảng 4%. Tuy nhiên, hiện NHNN sẽ rất linh hoạt trong việc điều hành hạn mức tín dụng của các ngân hàng, do đó nếu ACB cần thêm room tín dụng cũng sẽ được cung cấp thêm", ông Phát nói.
Cũng theo nhìn nhận của Tổng giám đốc ACB, có 3 lĩnh vực mà ngân hàng đánh giá có thể đẩy mạnh cung cấp tín dụng trong 3 tháng còn lại của năm gồm: Doanh nghiệp FDI, lĩnh vực tín dụng xanh, tín dụng tiêu dùng. Trong thời gian còn lại của năm 2024, ACB tiếp tục đẩy mạnh vốn giá rẻ hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp và cá nhân.
Tại cuộc họp báo quý III, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định thanh khoản toàn hệ thống vẫn ổn định và còn nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng. Các tổ chức tín dụng hiện có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho vay đối với nền kinh tế.
Thực tế, hiện nay, các ngân hàng đưa ra nhiều chương trình tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng vay vốn. Ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết, hiện tại, các doanh nghiệp ngành thực phẩm đang vào đợt kinh doanh cao điểm cuối năm, do đó nhu cầu bổ sung vốn lưu động thường tăng cao. Việc các ngân hàng tung ra nhiều gói vay ưu đãi ở thời điểm này là rất kịp thời.
“Lãi suất cho vay hiện nay ở mức 5,8-6,5%/năm là khá thấp so với nhiều năm qua và rất thuận lợi cho các doanh nghiệp trong ngành tiếp cận các nguồn vốn rẻ, đáp ứng mùa cao điểm kinh doanh cuối năm. Nguồn vốn trung dài hạn để doanh nghiệp đầu tư tài sản cố định cũng không gặp quá nhiều khó khăn," ông Nguyễn Đặng Hiến chia sẻ.
Thực tế cũng cho thấy, chỉ cần các hộ kinh doanh, doanh nghiệp có sức khỏe tài chính tốt, có thương hiệu sẽ được các ngân hàng chào mời vay vốn với mức lãi suất rất ưu đãi, chỉ từ 5-6%/năm. Thậm chí, nhiều ngân hàng còn cung ứng vốn với mức lãi suất siêu rẻ.
Huyền Anh