Tín dụng cuối năm tăng đột biến, dòng vốn chảy vào đâu?
Theo báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dư nợ tín dụng đến hết tháng 10 ước tăng trưởng 10,08% so với cuối năm 2023, còn so với cùng kỳ tăng 16,65%.
Phân hóa tăng trưởng tín dụng giữa các ngân hàng
Thống kê từ báo cáo tài chính quý III/2024 cho thấy, 100% các ngân hàng đều có tăng trưởng tín dụng dương. Trong đó, tăng trưởng mạnh nhất thuộc về Techcombank (19,68%), HDBank (16,54%), NCB (16,33%), LPBank (16,10%), Nam A Bank (15,8%), MSB (15,29%).
Cũng nằm trong nhóm tăng trưởng trên 14% so với cuối năm 2023 còn có MB (14,98%), Kienlongbank (14,47%) và TPBank (14,35%).
Tuy nhiên, xét về tổng dư nợ cho vay có sự phân hóa rõ rệt giữa các ngân hàng. Theo đó, có thể chia ra làm 3 nhóm chính dựa trên quy mô tài sản, gồm nhóm ngân hàng quốc doanh có tổng dư nợ cho vay lên đến hơn 1 triệu tỷ đồng, nhóm ngân hàng TMCP tư nhân có dư nợ cho vay từ 100.000 tỷ đồng trở lến đến dưới 1 triệu tỷ đồng và nhóm ngân hàng có tổng dư nợ cho vay dưới 100.000 tỷ đồng.
Theo thống kê trên báo cáo tài chính, BIDV là quán quân về cho vay khách hàng với quy mô hơn 1,95 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với đầu năm. VietinBank ở vị trí tiếp theo với dư nợ ở mức 1,61 triệu tỷ đồng, tăng 9%.
Vietcombank với tổng dư nợ cho vay đạt 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 10,3%, là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao nhất trong nhóm Big4.
Tại khối ngân hàng TMCP tư nhân, MB và VPBank là hai ngân hàng có quy mô cho vay khách hàng cao nhất, lần lượt đạt 702.020 tỷ đồng và 635.345 tỷ đồng, tăng 14,9% và 12,2% so với đầu năm.
Techcombank đứng sau MB và VPBank về dư nợ cho vay (đạt 626.291 tỷ đồng), nhưng có tốc độ tăng trưởng cho vay cao nhất, lên tới 20,8%; ACB cho vay 545.333 tỷ đồng, tăng 13,31%; Sacombank cho vay 513.690 tỷ đồng, tăng 8,87%; SHB cho vay 467.468 tỷ đồng, tăng 10,07%; HDBank cho vay 381.463 tỷ đồng, tăng 16,54%…
Các ngân hàng có dư nợ cho vay dưới 100.000 tỷ đồng gồm: ABBank (98.767 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,67%); VietBank (91.953 tỷ đồng, tăng 13,87%); Viet A Bank (77.267 tỷ đồng, tăng 11,89%); NCB (64.380 tỷ đồng, tăng 16,33%); BVBank (64.080 tỷ đồng, tăng 10,93%); Kienlongbank (59.275 tỷ đồng, tăng 14,47%); Baovietbank (46.381 tỷ đồng, tăng 12,03%); PGBank (36.891 tỷ đồng, tăng 4,40%). Saigonbank là ngân hàng có dư nợ cho vay thấp nhất hệ thống với 19.967 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,20%.
Năm nay, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15%. Đà tăng hiện tại, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, là phù hợp với chỉ tiêu này, đáp ứng nhu cầu vốn, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Dù vậy, lãnh đạo ngành ngân hàng đánh giá sức hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân những tháng đầu năm còn thấp. Bởi sau Covid-19, nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng sản xuất do thiếu đơn hàng, giải thể, đóng cửa, sức khỏe tài chính bị giảm sút, người dân có xu hướng thắt chặt, giảm chi tiêu, dẫn đến cầu tín dụng thấp.
Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn thấp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết cơ quan quản lý chủ động điều chỉnh chỉ tiêu cho từng ngân hàng, mà không yêu cầu họ phải gửi đề nghị cấp thêm. Đồng thời, các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn.
Kỳ vọng gì ở tăng trưởng tín dụng quý IV?
Theo các chuyên gia, tín dụng sẽ tăng mạnh trong quý IV/2024, đặc biệt là trong các lĩnh vực như sản xuất, bất động sản và tiêu dùng nội địa. Các doanh nghiệp có xu hướng tăng cường sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong dịp lễ hội cuối năm, từ đó đẩy mạnh hoạt động vay vốn.
Thực tế là tăng trưởng tín dụng cuối tháng 9 đạt 9%, đến cuối tháng 10 tăng thêm 1,08%, nhanh hơn so với tốc độ tăng trưởng của những tháng đầu năm.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng dự báo quý IV sẽ là giai đoạn bùng nổ về tín dụng khi nhu cầu vay vốn gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt là từ các doanh nghiệp sản xuất và bất động sản.
Tuy nhiên, trong quý III vừa qua, những ngân hàng đẩy mạnh cho vay doanh nghiệp, đặc biệt là kinh doanh bất động sản thì dư địa cho vay lĩnh vực này không còn nhiều. Do đó, giới phân tích kỳ vọng các ngân hàng đẩy mạnh cho vay cá nhân, nhất là các nhà băng có quy mô nhỏ, dư địa tăng trưởng tín dụng còn nhiều.
Điều đáng mừng là cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, sức mua của người dân cũng đang dần tăng trở lại. Tín dụng tiêu dùng nhờ đó cũng kỳ vọng được phục hồi. “Từ nay đến cuối năm, tín dụng bán lẻ sẽ phục hồi mạnh, được dẫn dắt bởi tài chính tiêu dùng, thẻ tín dụng và cho vay mua ô tô”, chuyên gia phân tích của MBS Research nhận định.
Giám đốc chi nhánh một ngân hàng TMCP tư nhân dự báo, vào dịp cuối năm, nhu cầu vay vốn của người dân lớn, chi nhánh sẽ tập trung nguồn vốn cho vay tiêu dùng như sửa chữa nhà cửa, mua phương tiện, mua sắm đồ dùng gia đình, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân.
Ông Lương Đức Cường, Giám đốc Chi nhánh Agribank Thanh Liêm (Hà Nam) cho biết, trong tổng cơ cấu tín dụng của đơn vị, cho vay tiêu dùng chiếm khoảng hơn 20% dư nợ cho vay khách hàng cá nhân (tương đương khoảng gần 500 tỷ đồng). Lãi suất cho vay tiêu dùng của chi nhánh giảm xuống có khoản chỉ còn 7,5%/năm.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý, với các ngân hàng quy mô nhỏ, việc mở rộng cho vay tiêu dùng có thể mang lại lợi nhuận ngắn hạn, nhưng cũng đòi hỏi sự kiểm soát rủi ro chặt chẽ hơn trong giai đoạn cuối năm.
Huyền Anh