1. Tài chính

Tìm cách duy trì nguồn vốn vay qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho người nghèo

Đại biểu Đinh Ngọc Quý, Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai cho biết, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) là cơ chế tín dụng đặc thù của Việt Nam, để giúp người nghèo, người cận nghèo và các đối tượng chính sách, có vốn đầu tư cho sản xuất, sinh hoạt.

Chỉ thị 40 của Ban Bí thư có yêu cầu việc ưu tiên bố trí nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước để thực hiện các chương trình tín dụng, chính sách xã hội. Tuy nhiên, cơ cấu nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước chỉ chiếm chưa tới 13% và ở các địa phương còn thấp hơn nhiều.

Đại biểu đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, điều này có phù hợp đúng với tinh thần của Chỉ thị 40 hay không và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có giải pháp gì khắc phục những khó khăn, để thúc đẩy huy động và thực hiện chính sách tín dụng xã hội?

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đinh Ngọc Quý, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, vì đối tượng cho vay của NHCSXH là những người nghèo, cận nghèo, hộ thoát nghèo, các đối tượng chính sách, nên nguồn vốn về nguyên tắc là phải từ ngân sách Nhà nước bố trí. Ngân sách gồm ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.

Để hỗ trợ cho nguồn vốn của NHCSXH, trong những năm trước đây, Ngân hàng Nhà nước có tham mưu 4 ngân hàng thương mại Nhà nước khi huy động sẽ trích 2% số dư tiền gửi để đưa vào làm nguồn vốn của NHCSXH. Ngoài ra, NHCSXH cũng huy động vốn từ doanh nghiệp, người dân, hoặc nguồn phát hành trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Thị Minh Huệ, Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng, về triển khai Nghị quyết 111 của Quốc hội cho phép các địa phương được cân đối nguồn vốn ngân sách để ủy thác qua NHCSXH thực hiện cho vay theo các chương trình mục tiêu quốc gia, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: Từ năm 2014, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 40 để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách. Từ năm 2014 đến nay, con số ủy thác của các địa phương lên tới 47.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 12,9% trong tổng số nguồn huy động của NHCSXH từ ngân sách Trung ương, từ địa phương, từ các tiền gửi của tổ chức tín dụng (TCTD)…

Ngay sau khi Nghị quyết 111 của Quốc hội được ban hành, các địa phương đã triển khai và có 13 tỉnh, thành phố đã thực hiện ủy thác nguồn vốn cho NHCSXH, với tổng số nguồn vốn ủy thác này là 1.600 tỷ đồng, để thực hiện. Ngoài ra, có hơn 30 tỉnh, thành phố đang thực hiện sửa đổi quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn từ ngân sách địa phương được ủy thác cho NHCSXH để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Thị Thu Phước (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tuml) liên quan đến một số địa phương có nguồn thu ngân sách thấp, khó ủy thác cho NHCSXH vay, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, về nguyên tắc, khoản cho vay theo các đối tượng thuộc NHCSXH phải từ ngân sách Nhà nước (Ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, nguồn phát hành trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh). Về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại Nhà nước duy trì 2% vốn; đồng thời, đề xuất có các nguồn vốn để tiếp tục thực hiện chương trình cho vay đối với các đối tượng của NHCSXH.

Trong đó, đối với nguồn vốn trước đây, NHCSXH đã thực hiện theo 27 chương trình, khi thực hiện cho vay, thu nợ, nguồn vốn đó tiếp tục được thực hiện cho vay. Đối với nguồn trái phiếu phát hành do Chính phủ bảo lãnh, Thống đốc cho biết, trước đây theo quy định, chỉ được phát hành trái phiếu Chính phủ bảo lãnh tối đa bằng khoản trái phiếu đến hạn, như vậy không tăng được dư nợ.

Do đó, Ngân hàng Nhà nước đang đề nghị tháo gỡ vướng mắc này để dư địa của NHCSXH tăng lên. Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng trong hệ thống quan tâm mua trái phiếu Chính phủ bảo lãnh của NHCSXH phát hành để có nguồn cho vay đối với đối tượng chính sách của NHCSXH.

HL/Báo Tin tức

Tin khác