1. Tài chính

Tiền gửi tiết kiệm của người nghèo

Ngoài hoạt động giao dịch, cán bộ NHCSXH thường xuyên tuyên truyền về lợi ích của việc gửi tiết kiệm qua tổ TK&VV.

Sau khi được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) giải ngân 40 triệu đồng vốn chương trình cho vay ưu đãi để xây dựng nhà ở, gia đình chị Lò Thị Hiền, bản Púng Giắt 2, xã Mường Mương, huyện Mường Chà cũng bắt đầu gửi tiết kiệm qua tổ TK&VV. Theo chị Hiền, chị ở nhà chăm con nhỏ, chồng làm thuê nuôi cả gia đình 5 người nên cuộc sống còn chật vật. Tuy vậy, khi nghe Tổ trưởng tổ TK&VV giải thích về lợi ích của việc gửi tiết kiệm qua tổ hàng tháng nên chị đã nhiệt tình tham gia.

Chị Hiền chia sẻ: Dù điều kiện kinh tế không mấy dư dả nhưng việc tham gia gửi tiết kiệm qua tổ TK&VV cũng không quá áp lực bởi số tiền gửi hàng tháng không nhiều và mức gửi theo quy ước hoạt động của tổ TK&VV. Hơn nữa điều tiện lợi là gửi thông qua Tổ trưởng tổ TK&VV cùng với việc trả lãi hàng tháng mà không cần phải ra ngân hàng hoặc đến điểm giao dịch xã để gửi. Đến thời điểm này gia đình tôi đã trả hết nợ, trong đó, số tiền trả nợ gốc từ tiền tiết kiệm là 10 triệu đồng.

Tổ TK&VV bản Sảo, xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo hiện có 54 thành viên. Khi có chủ trương huy động tiết kiệm qua tổ TK&VV, tổ đã bàn bạc và thống nhất triển khai đến các tổ viên tham gia gửi tiết kiệm tùy điều kiện từng gia đình. Hằng tháng, tất cả tổ viên gửi tiết kiệm qua tổ, người thấp nhất là 20 nghìn đồng, nhiều tổ viên gửi mức 200 nghìn đồng đến 1 triệu đồng. Từ đó, các tổ viên có một khoản tiết kiệm, những lúc khó khăn chuyển sang trả lãi, trả gốc. Đến nay 100% thành viên trong tổ đều tham gia gửi tiết kiệm với số dư tiền gửi tiết kiệm đạt trên 177 triệu đồng.

Được vay vốn phát triển kinh tế nhiều người tham gia gửi tiết kiệm qua tổ TK&VV để tích góp trả nợ.

Năm 2024, chị Lò Thị Điện, bản Sảo, xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo được vay 100 triệu đồng từ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tuần Giáo để phát triển chăn nuôi. Không chỉ thực hiện trả lãi hàng tháng đầy đủ đến thời điểm này chị Điện còn trả được 20 triệu đồng tiền nợ gốc cho ngân hàng.

Chị Điện cho hay: “Ngay sau khi được vay vốn tôi đồng thời tham gia gửi tiết kiệm thông qua tổ TK&VV. Số tiền gửi mỗi lần không cố định, có tháng thì gửi 500 nghìn đồng hoặc nhiều hơn, tháng ít thì 200 nghìn đồng. Đến tháng 3 vừa rồi, tính ra tôi đã gửi tiết kiệm được hơn 10 triệu đồng. Cùng với số tiền lãi trích ra từ việc chăn nuôi, tôi đã trả nợ được một phần tiền vay. Nếu chăn nuôi thuận lợi, tôi sẽ tăng số tiền gửi để sớm tích thêm khoản tiền trừ vào nợ gốc”.

Chủ trương huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua tổ TK&VV được NHCSXH thực hiện từ năm 2009. Theo đó, việc gửi tiết kiệm được triển khai theo hình thức tự nguyện, mức tiền gửi tiết kiệm ở các tổ TK&VV khác nhau, tùy theo quy ước của các tổ, tất cả đều được công khai, minh bạch.

Để phát huy hiệu quả huy động tiền gửi tiết kiệm qua tổ TK&VV, NHCSXH tỉnh đã tổ chức tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ, nâng cao trách nhiệm, năng lực cán bộ hội đoàn thể nhận ủy thác cấp xã, ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn. Chỉ đạo các phòng giao dịch phối hợp với các tổ chức nhận ủy thác và tổ trưởng tổ TK&VV tuyên truyền trong ngày giao dịch cố định hằng tháng, qua các buổi tập huấn, họp thôn về lợi ích, ý nghĩa của chương trình. Từ đó giúp người dân hình thành thói quen dành tiền tiết kiệm để tự tạo lập nguồn vốn và quen dần với hoạt động tín dụng nhân dân.

Cán bộ NHCSXH huyện Mường Chà thực hiện giao dịch tại xã Ma Thì Hồ.

Theo bà Lò Thị Đáo, Tổ trưởng tổ TK&VV bản Sảo, xã Quài Cang, lúc đầu khi mới gia nhập tổ, được tuyên truyền về việc gửi tiết kiệm, nhiều người cũng thắc mắc đã không có tiền mới đi vay vốn sao còn phải gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, sau khi được giải thích ý nghĩa, lợi ích của việc gửi tiết kiệm, rằng số tiền gửi hàng tháng rất nhỏ nhưng có thể giúp bà con hình thành thói quen tích lũy, từ đó gom góp để trả dần số tiền nợ gốc, giảm gánh nặng khi nợ đến hạn. Ngoài ra, với số tiền tiết kiệm qua tổ, những tháng gặp khó khăn hay có việc đột xuất chưa thể đóng lãi, hộ vay có thể đề nghị tổ trưởng trích ra để trả lãi… Khi đã hiểu được điều này, các thành viên trong tổ đều nhất trí gửi tiết kiệm.

Toàn tỉnh hiện có 2.169 tổ TK&VV. Theo thống kê của NHCSXH tỉnh, đến nay 100% tổ TK&VV đều có số dư tiền gửi với tổng số tiền trên 87,5 tỷ đồng, tăng hơn 7,1 tỷ đồng so với cuối năm 2024. Từ nguồn tiền tiết kiệm này, không chỉ khách hàng có tiền tiết kiệm tích góp để trả nợ và dự phòng rủi ro mà ngân hàng cũng có thêm nguồn vốn cho vay, giúp nhiều hộ nghèo và đối tượng chính sách khác có cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh, cải thiện cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Thu Hằng

Tin khác