1. Chứng khoán

Tiền gửi lập đỉnh sau 6 tháng tăng liên tiếp, lãi suất huy động phân hóa mạnh

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 7/2024, tiền gửi dân cư đạt 6,838 triệu tỷ đồng. Như vậy, trong tháng 7/2024, có thêm 21.175 nghìn tỷ tiền nhàn rỗi chảy vào hệ thống ngân hàng. Tính từ đầu năm, số dư tiền gửi dân cư đã tăng 305.672 tỷ, tương ứng với 4,68% so với thời điểm cuối năm 2023.

Theo các chuyên gia phân tích VCBS, huy động vốn tiếp tục có sự cải thiện trong tháng 8 khi tín dụng hồi phục và các kênh đầu tư khác vẫn còn nhiều khó khăn. Tính đến 15/8, tăng trưởng huy động từ tiền gửi khách hàng (từ dân cư và các tổ chức kinh tế) đạt 2,74% (6 tháng đầu năm 2024 ghi nhận mức tăng trưởng 1,5% so với cuối năm).

Tỷ lệ dư tín dụng trên số vốn huy động của ngân hàng (LDR) tăng nhẹ ở hầu hết các ngân hàng trong hệ thống do tối ưu hóa việc sử dụng vốn với tỷ lệ LDR trung bình trong quý II/2024 ghi nhận ở mức 83,60%, cải thiện so với mức 83,3% cuối quý I/2024.

Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn trung bình toàn hệ thống tính tới giữa tháng 9/2024 tiếp tục tăng thêm 0,3-0,5% ở hầu hết các kỳ hạn so với mức đáy thời điểm cuối tháng 4/2024, tuy nhiên vẫn ghi nhận giảm 0,1-0,3% so với thời điểm đầu năm nay.

Xu hướng tăng lãi suất huy động trong những tháng còn lại của năm 2024 được kỳ vọng sẽ khó có thể tiếp diễn và có sự phân hóa giữa các ngân hàng.

Theo đó, với nhóm ngân hàng quốc doanh, lãi suất huy động kỳ vọng duy trì đi ngang ở mức hiện tại và có thể điều chỉnh giảm nhẹ vào thời điểm cuối năm theo hướng hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động do ảnh hưởng từ các diễn biến thiên tai thời gian gần đây.

Với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, áp lực tăng nhẹ lãi suất huy động vẫn còn để tăng cường huy động vốn nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đặc biệt đối với những ngân hàng có mức độ phụ thuộc vào tiền gửi khách hàng lớn và cơ cấu huy động vốn kém linh hoạt.

VCBS cũng lưu ý đến những yếu tố có thể tác động đến mặt bằng lãi suất huy động trong những tháng cuối năm 2024 khi xét đến: Chênh lệch giữa số dư tiền gửi và dư nợ tín dụng toàn hệ thống vẫn duy trì ở mức cao, điều này có thể tiếp tục gây áp lực lên mặt bằng lãi suất huy động trong thời gian tới ở một số ngân hàng TMCP quy mô nhỏ nhằm gia tăng mức độ cạnh tranh của kênh tiền gửi tiết kiệm so với lợi suất đầu tư của các kênh đầu tư khác trên thị trường. Nhu cầu chuẩn bị nguồn vốn nhằm đáp ứng cầu tín dụng từ hoạt động sản xuất kinh doanh- thường có xu hướng tăng cao vào những tháng cuối năm.

Cầu tín dụng từ hoạt động kinh doanh bất động sản/xây dựng được kỳ vọng vẫn giữ đà tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm 2024, do đó những ngân hàng có tỷ trọng cho vay nhóm ngành này ở mức cao cần có chính sách huy động phù hợp nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn phục vụ tăng trưởng tín dụng.

Các chuyên gia khuyến nghị, trong bối cảnh thị trường có nhiều rủi ro như hiện nay, nhà đầu tư nên gia tăng tỷ trọng tiền gửi ngân hàng.

Hiện thanh khoản trên thị trường chứng khoán vẫn ở mức thấp, chỉ số VN-Index giằng co, chưa thể vượt được mốc 1.300 điểm. Tương tự, thanh khoản trên thị trường bất động sản cũng trầm lắng dù giá liên tục tăng nóng. Dòng tiền đang có xu hướng chờ đợi thay vì chảy vào các kênh đầu tư tài sản.

Không chỉ tại Việt Nam, theo báo cáo của SSI Research, dòng tiền đầu tư trên toàn cầu có dấu hiệu thận trọng hơn trước các dấu hiệu kém tích cực về nền kinh tế Mỹ, đặc biệt là dòng tiền đầu tư vào các quỹ cổ phiếu chậm lại trong khi tỷ trọng nắm giữ tiền mặt tại các quỹ tăng lên.

Theo ông Hồ Hữu Tuấn Hiếu, chuyên gia Chiến lược Đầu tư, Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư (SSI Research), từ cuối năm 2023 đến nay, quy mô giải ngân của các kênh đầu tư đều chậm lại, dòng tiền không chảy mạnh đặc biệt vào kênh đầu tư nào mà ngày càng thận trọng.

T.L

Tin khác