1. Tài chính

Thụy Sĩ vạ lây khi kinh tế Đức sa sút

Martin Schlegel, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB), phát biểu trong một sự kiện hôm 30/11 rằng "khi kinh tế Đức cảm lạnh, Thụy Sĩ cũng cảm cúm".

Đức là đối tác thương mại lớn, chiếm 20% tổng kim ngạch thương mại của EU với Thụy Sĩ. Do đó, khi đà tăng trưởng kinh tế Đức sa sút, nhu cầu mua hàng từ nước láng giềng giảm.

Kinh tế Đức gần đây gặp nhiều khó khăn do cạnh tranh từ các đối thủ, đặc biệt là Trung Quốc. Họ cũng phải giải quyết các bất lợi truyền thống như chi phí lao động, thuế cao và giá năng lượng tăng sau xung đột Nga - Ukraine năm 2022. Ủy ban châu Âu (EC) dự báo GDP Đức co lại 0,1% năm nay.

Tăng trưởng kinh tế của Thụy Sĩ đang chững lại. Trong quý 3, GDP nước này chỉ tăng 0,4% so với quý trước đó, do ngành sản xuất đi xuống. Tháng này, hãng thép Swiss Steel Group giảm hàng trăm việc làm do nhu cầu quốc tế yếu, đặc biệt từ ngành xe hơi Đức.

Đồng franc Thụy Sĩ hiện ở mức cao nhất 9 năm so với euro. Nội tệ mạnh càng gây sức ép lên hàng xuất khẩu. Thực tế ấy cũng khiến SNB gặp khó trong quyết định lãi suất ngày 12/12. Hồi tháng 3, Thụy Sĩ là nền kinh tế lớn đầu tiên của thế giới giảm lãi suất. Đến nay, họ đã điều chỉnh lãi 3 lần, về 1%. Giới quan sát dự báo SNB sẽ tiếp tục nới lỏng tiền tệ.

Tháng 10, lạm phát của Thụy Sĩ là 0,6% - thấp nhất 3 năm. Tuần tới, Thụy Sĩ sẽ nhận báo cáo lạm phát tháng 11. Giới phân tích dự báo lạm phát sẽ tăng tốc, nhưng vẫn nằm trong khoảng mục tiêu 0-2% của SNB.

Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ liên tục khẳng định họ sẵn sàng đưa lãi suất cho vay xuống âm, nếu điều này là cần thiết để ổn định giá cả. Thụy Sĩ từng áp dụng chính sách lãi suất âm trong gần 8 năm và chấm dứt năm 2022.

Tùng Lâm/Reuters

Tin khác