1. Chứng khoán

Thủy sản Nam Việt (ANV) chiếm 19% thị phần cá tra xẻ bướm xuất sang Trung Quốc

Thủy sản Nam Việt hiện là doanh nghiệp thủy sản niêm yết có thị phần xuất khẩu cá tra nguyên con xẻ bướm đông lạnh sang Trung Quốc lớn nhất.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), lũy kế 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra nguyên con xẻ bướm đông lạnh của Việt Nam đạt hơn 168 triệu USD, chiếm 13% tỷ trọng trong tổng xuất khẩu cá tra Việt Nam. Tính riêng tháng 8/2024, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này lên mức cao nhất, đạt hơn 29 triệu USD.

Trung Quốc tiếp tục duy trì là thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá tra nguyên con xẻ bướm đông lạnh từ Việt Nam. Lũy kế 8 tháng đầu năm nay, quốc gia này nhập khẩu hơn 93 triệu USD sản phẩm cá tra nguyên con xẻ bướm đông lạnh, chiếm 55% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này của Việt Nam.

Theo VASEP, các địa phương Trung Quốc nhập khẩu sản phẩm trên nhiều nhất, gồm Quảng Đông, Sơn Đông, Thượng Hải, Triết Giang, Hồ Nam và An Huy…

Trong số 46 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cá tra nguyên con xẻ bướm đông lạnh sang Trung Quốc, Công ty Cổ phần Nam Việt (Thủy sản Nam Việt, mã cổ phiếu ANV – sàn HoSE) đang chiếm thị phần cao thứ 2 (khoảng 19%), chỉ sau Công ty Cổ phần Thủy sản Trường Giang (chiếm 28% thị phần).

Thị phần của Thủy sản Nam Việt cũng bỏ xa nhóm các doanh nghiệp phía sau như Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (chiếm 8% thị phần), Công ty Cổ phần Chế biến và Xuất nhập khẩu Thủy sản Cadovimex (chiếm 5% thị phần)…

Về việc phát triển thị trường Trung Quốc, ban lãnh đạo Thủy sản Nam Việt, công ty đã mở rộng thành công thêm tệp khách hàng ở Bắc Kinh và Quảng Châu (Trung Quốc), bên cạnh khu vực truyền thống là Thượng Hải.

Đồng thời, sau quá trình nghiên cứu thị trường, Thủy sản Nam Việt đã mở rộng thêm dòng sản phẩm cá tra xẻ bướm tẩm gia vị, đáp ứng đúng nhu cầu cao tại Trung Quốc.

Cơ cấu doanh thu của Thủy sản Nam Việt theo từng thị trường trong năm 2022 và năm 2023.

Ngoài ra, với lợi thế tự chủ 100% cá nguyên liệu, công ty đã giải quyết được tình trạng thiếu hụt cá tra cỡ lớn (1,5 - 2 kg) mà toàn ngành cá tra Việt Nam gặp phải trong thời gian dài vừa qua; đây cũng là cỡ cá được ưa chuộng ở Trung Quốc.

Theo đánh giá mới đây của Chứng khoán Agribank, Thủy sản Nam Việt sẽ là doanh nghiệp thủy sản niêm yết hưởng lợi từ việc Chính phủ Trung Quốc tung ra gói kích thích kinh tế “khủng” nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa. Thị trường Trung Quốc & Hồng Kông hiện chiếm khoảng 25% tổng doanh thu của Thủy sản Nam Việt.

Bên cạnh đó, nhờ lợi thế có tỷ lệ tự chủ nguyên liệu thức ăn chăn nuôi 100% nên biên lợi nhuận gộp dự kiến của Thủy sản Nam Việt sẽ phục hồi nhanh hơn so với các doanh nghiệp khác trong ngành khi giá cá tra xuất khẩu đang có xu hướng hồi phục và giá bã đậu nành (thức ăn chăn nuôi thủy sản) “hạ nhiệt” từ đầu năm đến nay.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu ANV của Thủy sản Nam Việt từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Trong một diễn biến khác, Thủy sản Nam Việt đang có kế hoạch phát hành 133,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1, tương ứng cổ đông sở hữu 01 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 01 cổ phiếu mới. Qua đó, nâng vốn điều lệ lên mức 2.666 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với mức vốn hiện tại. Qua đó, giúp Thủy sản Nam Việt trở thành doanh nghiệp cá tra có vốn điều lệ lớn nhất trên thị trường chứng khoán.

Ban lãnh đạo Thủy sản Nam Việt cho biết, công ty đang là doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cá tra có chuỗi sản xuất khép kín lớn thứ 2 thế giới, gồm 250 ha vùng nuôi truyền thống, giúp cung cấp đến 120.000 tấn cá nguyên liệu/năm, và 600 ha vùng nuôi công nghệ cao được đầu tư từ năm 2018, giúp cung cấp đến 250.000 tấn cá nguyên liệu/năm.

Tin khác