Thực phẩm Sao Ta ghi nhận doanh số tăng 48,5% trong tháng 9/2024, lên 30,16 triệu USD
Trong tháng 9/2024, Thực phẩm Sao Ta ghi nhận tổng doanh số chung đạt 30,16 triệu USD, tăng 48,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm đạt 2.638 tấn, tăng 47% so với cùng kỳ; và sản lượng tiêu thụ nông sản thành phẩm đạt 126 tấn, giảm nhẹ 2% so với tháng 9/2023.
Thực phẩm Sao Ta cho biết thêm, các trại nuôi của Công ty đang cải tạo ao, chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất có thể để phục vụ cho đợt thả giống mới.
Trước đó, trong tháng 7/2024, Thực phẩm Sao Ta cũng ghi nhận doanh số đạt 31,25 triệu USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm đạt 2.713 tấn, tăng 7% so với cùng kỳ; và sản lượng tiêu thụ nông sản thành phẩm đạt 147 tấn, giảm 22% so với cùng kỳ.
Trong tháng 8/2024, Thực phẩm Sao Ta tiếp tục ghi nhận tổng doanh số đạt 30,38 triệu USD, tăng 35,7% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm đạt 2.726 tấn, tăng 36% so với cùng kỳ; và sản lượng tiêu thụ nông sản thành phẩm đạt 116 tấn, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, trong 3 tháng của quý III/2024, Thực phẩm Sao Ta cùng ghi nhận doanh số tăng trưởng, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng cao dần từ năm 8 đến tháng 9/2024.
Nói về triển vọng ngành, Chứng khoán Rồng Việt cũng vừa có đánh giá dự báo ngành tôm sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ vào sản lượng trong những tháng cuối năm 2024. Trong đó, đơn vị phân tích cho biết giá bán tôm sẽ phục hồi nhẹ nhờ vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất và nhu cầu tăng trong mùa lễ hội. Tuy nhiên, mức độ cạnh tranh từ các quốc gia xuất khẩu tôm lớn như Ecuador và Indonesia vẫn khiến giá bán khó có thể tăng cao.
“Để cạnh tranh với các đối thủ lớn, doanh nghiệp Việt vẫn phải duy trì mức giá bán thấp. Mặc dù giá tôm nguyên liệu Việt Nam tại Mỹ trong 7 tháng đầu năm 2024 đã giảm 19% so với cùng kỳ, nhưng vẫn cao hơn so với Ecuador và Indonesia lần lượt 40% và 26%”, Chứng khoán Rồng Việt nhận định.
Riêng đối với Thực phẩm Sao Ta, Chứng khoán Rồng Việt nhận định mặc dù thị trường chính của của Công ty là Nhật Bản (chiếm 34% tổng giá trị xuất khẩu) có tín hiệu chậm lại, nhưng sự tăng trưởng tại thị trường Mỹ và Anh (chiếm tổng 40% doanh thu của Thực phẩm Sao Ta) sẽ giúp tổng sản lượng xuất khẩu của doanh nghiệp được cải thiện trong những tháng cuối năm 2024.
Hoàn thành 44,1% kế hoạch lợi nhuận sau nửa đầu năm 2024
Xét về hoạt động kinh doanh, trong Báo cáo tài chính bán niên năm 2024, nửa đầu năm 2024, Thực phẩm Sao Ta ghi nhận doanh thu đạt 2.703,5 tỷ đồng, tăng 32,4% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 140,6 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 8,3%, lên 8,8%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 40,1% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 67,86 tỷ đồng lên 236,9 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 32%, tương ứng tăng thêm 10,43 tỷ đồng lên 43,06 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 55,1%, tương ứng giảm 12,34 tỷ đồng về 10,05 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 148,8%, tương ứng tăng thêm 76,98 tỷ đồng lên 128,72 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Thực tế, trong nửa đầu năm 2024, mặc dù lợi nhuận gộp cải thiện, đồng thời doanh thu tài chính tăng và Công ty còn tiết giảm chi phí tài chính nhưng tốc độ tăng của lợi nhuận sau thuế vẫn thấp hơn tốc độ tăng của lợi nhuận gộp, nguyên nhân chủ yếu do chi phí bán hàng tăng liên quan tới việc phí cước vận chuyển tăng cao nửa đầu năm 2024.
Được biết, trong năm 2024, Thực phẩm Sao Ta đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 5.187 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 320 tỷ đồng.
Như vậy, kết thúc nửa đầu năm 2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 141,1 tỷ đồng, Thực phẩm Sao Ta đã hoàn thành 44,1% so với kế hoạch năm.
Ngoài ra, trái với kết quả kinh doanh cải thiện, trong nửa đầu năm 2024, Thực phẩm Sao Ta tiếp tục ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 347,8 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 395,1 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư ghi nhận dương 87,7 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 118,3 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh.
Thay thế thành viên HĐQT, người liên quan Chăn nuôi C.P Việt Nam
Một điểm đáng lưu ý về nhân sự, trước đó, ngày 14/6, Thực phẩm Sao Ta thực hiện miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị đối với ông Adisak Tosakul và bầu thay thế ông Boonlap Watcharawanitchakul.
Ông Boonlap Watcharawanitchakul (sinh năm 1972, quốc tịch Thái Lan) đang là Phó tổng giám đốc phụ trách ngành kinh doanh thủy sản của CTCP Chăn nuôi C.P Việt Nam.
Trong khi đó, ông Adisak Tosakul đã được bầu vào thành viên HĐQT độc lập tại Thực phẩm Sao Ta từ ngày 15/4/2022 tới nay. Ông Adisak Tosakul cũng là đại diện của CTCP Chăn nuôi C.P Việt Nam.
Về cơ cấu cổ đông, tại thời điểm 31/12/2023, Thực phẩm Sao Ta có 3 cổ đông lớn gồm CTCP Tập đoàn PAN (mã PAN - sàn HoSE) sở hữu 37,75% vốn điều lệ; CTCP Chăn nuôi C.P Việt Nam sở hữu 24,9% vốn điều lệ; CTCP Xuất nhập Khẩu Thủy sản Bến Tre sở hữu 12,37% vốn điều lệ; và còn lại 24,98% vốn điều lệ thuộc về các cổ đông sở hữu dưới 5% vốn điều lệ.
Duy Bắc