Thực phẩm Sao Ta (FMC) đặt mục tiêu doanh thu kỷ lục mới, lợi nhuận dự kiến đi ngang
Thông tin trên được công bố trong tài liệu chuẩn bị cho Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của Thực phẩm Sao Ta, dự kiến tổ chức vào chiều ngày 18/4 tại tỉnh Sóc Trăng.
Nhìn lại năm 2024, ban tổng giám đốc FMC cho biết công ty đã đạt được những kết quả kinh doanh ấn tượng. Sản lượng tôm thành phẩm tiêu thụ đạt 22.164 tấn, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, sản lượng nông sản tiêu thụ đạt 1.309 tấn, bằng 66% so với năm trước.
Tổng doanh số tiêu thụ chung năm 2024 đạt 250,8 triệu USD, tăng 25% so với năm 2023 và vượt 19% kế hoạch đề ra. Đặc biệt, lợi nhuận hợp nhất trước thuế lập kỷ lục mới với 422 tỷ đồng, cao hơn 38% so với kết quả năm 2023 và vượt 32% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Lãnh đạo Sao Ta cũng thông tin thêm, trong năm 2024, công ty đã phải trích lập dự phòng đáng kể cho hai loại thuế liên quan đến thị trường Mỹ. Bối cảnh thị trường cũng gặp khó khăn khi giá tôm nguyên liệu giảm mạnh (tôm Ecuador giảm trên 30%, tôm Việt Nam giảm hơn 20% từ năm 2022), đòi hỏi doanh nghiệp phải tập trung nâng cao hiệu quả nuôi trồng để giảm giá thành sản phẩm cuối cùng.
Bước sang năm 2025, Sao Ta đặt mục tiêu sản lượng tôm thành phẩm tiêu thụ đạt 22.000 tấn và nông sản tiêu thụ 1.300 tấn, tương đương mức thực hiện của năm 2024. Mục tiêu doanh số chung được nâng lên mức kỷ lục mới là 255 triệu USD, tăng gần 2% so với năm trước. Tuy nhiên, mục tiêu tổng lợi nhuận trước thuế lại được đặt ở mức 420 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức kỷ lục đạt được năm 2024.
Kết quả kinh doanh hai tháng đầu năm 2025 cho thấy tín hiệu khả quan khi doanh số đạt 46,9 triệu USD, tăng gần 54% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành hơn 18% kế hoạch cả năm. Về hoạt động nuôi tôm, công ty cho biết đang thu hoạch tại các khu nuôi, đảm bảo nguồn cung nguyên liệu ổn định cho các nhà máy chế biến.
Nhận định về triển vọng năm 2025, ban lãnh đạo FMC cho rằng có những thuận lợi nhất định như khả năng chuỗi cung ứng toàn cầu xáo trộn do xung đột thương mại có thể tạo cơ hội thâm nhập thị trường mới. Công ty cũng có điều kiện tập trung chuyên môn hóa sản phẩm tại từng nhà máy để tối ưu chi phí, nâng cao năng suất, đồng thời sở hữu vùng nuôi đạt chuẩn ASC (chứng nhận quốc tế về nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm) với diện tích lớn, đáp ứng yêu cầu của các hệ thống phân phối lớn.
Tuy nhiên, thách thức cũng không nhỏ. Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tiếp tục đối mặt với hai vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp. Biến đổi khí hậu làm gia tăng rủi ro trong nuôi trồng. Bên cạnh đó, tình hình lạm phát, suy thoái kinh tế toàn cầu chưa cải thiện rõ rệt và diễn biến cung cầu tôm thế giới có thể gây bất lợi.
Về phương án phân phối lợi nhuận, Hội đồng quản trị FMC dự kiến trình cổ đông phê duyệt mức chi trả cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt với tỷ lệ 20%, tương đương số tiền hơn 130 tỷ đồng. Đây là năm thứ năm liên tiếp Sao Ta duy trì tỷ lệ cổ tức này. Kế hoạch cổ tức cho năm 2025 cũng được đặt ra ở mức tối thiểu là 20%.
Đại hội sắp tới cũng sẽ tiến hành bầu lại Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới (2025-2030) với số lượng 5 thành viên (danh sách đề cử không thay đổi so với HĐQT hiện tại) và Ban kiểm soát gồm 3 thành viên.
Nhã Liên