1. Tài chính

Thúc đẩy hoạt động thẻ và xu hướng thanh toán tương lai

Ngày 26/9, Báo Tiền Phong và Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy hoạt động thẻ và xu hướng thanh toán tương lai”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Ngày Thẻ Việt Nam 2023 gồm 2 phiên với các chủ đề: Thúc đẩy hoạt động thẻ tại Việt Nam nhìn từ động lực chính sách; Triển vọng thị trường thẻ Việt Nam và xu hướng thanh toán tương lai.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh, thanh toán không tiền mặt, thanh toán thẻ đã len lỏi vào mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ và trong đời sống hằng ngày. Trước đây, khi nói tới thanh toán thẻ không dùng tiền mặt chỉ thấy ở siêu thị lớn, giờ có thể thấy ở mọi nơi, mọi hoạt động thường nhật.

Thời gian qua, ngoài quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, NHNN đã phối hợp với các ngân hàng thương mại, khảo sát thực tiễn để ban hành 2 thông tư về thanh toán và tín dụng. Trong đó, có thông tư cho phép ngân hàng được cấp bảo lãnh điện tử (không chỉ có bảo lãnh giấy thông thường). Cùng với đó, từ ngày 1/9/2023, cho phép ngân hàng cho vay điện tử phục vụ sản xuất, tiêu dùng với giá trị tối đa 100 triệu đồng. Quy định mới cũng cho phép ngân hàng giải ngân khoản vay vào tài khoản thanh toán của người vay, không yêu cầu bắt buộc phải giải ngân vào tài khoản của bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Từ tháng 3/2021, NHNN cũng cho phép các ngân hàng sử dụng giải pháp eKYC (xác thực sinh trắc học) trong thanh toán, cung cấp dịch vụ.

Mọi hoạt động kinh tế đều liên quan tới thanh toán, từ mua tới bán dịch vụ, nhận và trả tiền. Hiện cả nước có hơn 100 triệu thẻ đã được phát hành tới người dùng, nhiều hình thức thẻ mới ra đời, tiêu chuẩn bảo mật ngày càng nâng cao. Đặc biệt, số hóa thẻ ngân hàng để khách hàng không cần cầm thẻ vật lý, tránh rủi ro mất mát, bị lợi dụng. Xu hướng mới trên cũng có một phần đóng góp không nhỏ từ “Ngày Thẻ Việt Nam” do Báo Tiền Phong phối hợp cùng Napas thực hiện.

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng mong muốn, qua hội thảo này, các ngân hàng cùng thảo luận về xu hướng thẻ mới, thanh toán mới, trong đó tập trung vào trao đổi về vướng mắc, phát sinh, làm sao để “tiện và lợi”, vì dù có làm gì thì người dân cũng cần phải thấy tiện dụng, dễ dùng, thấy có lợi ích về kinh tế, bên cạnh đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật.

Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN Phạm Anh Tuấn cho biết: Thị trường thẻ Việt Nam, nhất là thẻ tín dụng nội địa còn nhiều dư địa phát triển. NHNN đang rà soát, tiến tới xây dựng hệ sinh thái số trong ngành ngân hàng để tạo trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.

Thị trường thẻ Việt Nam những năm qua được đánh giá có tốc độ phát triển nhanh chóng, góp phần quan trọng thúc đẩy nhanh xu hướng TTKDTM. Tính đến tháng 7/2023, số lượng thẻ đang lưu hành đạt hơn 140 triệu thẻ (tăng 8,27% so với cuối năm 2021), với hơn 103 triệu thẻ nội địa, 36,7 triệu thẻ quốc tế trong đó có gần 10,8 triệu thẻ mở bằng eKyc đang lưu hành (27 ngân hàng đang triển khai). So với số lượng thẻ quốc tế, thẻ tín dụng nội địa khiêm tốn.

Qua hội thảo, tôi mong muốn nghe thêm khó khăn vướng mắc trong phát triển thị trường thẻ tín dụng nội địa từ đó, đưa ra giải pháp hỗ trợ kịp thời. Việc phát triển thẻ tín dụng nội địa sẽ giúp phát triển tín dụng, góp phần xóa vấn nạn tín dụng đen. Tuy nhiên, còn nhiều khó khăn gặp phải trong quá trình phát triển thẻ tín dụng nội địa, ông Tuấn nói.

Quang cảnh hội thảo

Theo TS Cấn Văn Lực, Việt Nam thanh toán không tiền mặt tăng tương đối nhanh. Về số lượng giao dịch đến 70% trong 3 năm, giá trị giao dịch 35% các hình thức thanh toán. Chúng ta đang nhanh hơn khu vực, Châu Á Thái Bình Dương chỉ xoay quanh 20- 25%. Chúng ta phải nhìn thấy nhờ cơ chế chính sách thúc đẩy của NHNN trong những năm qua. Thứ hai, ở Việt Nam cho phép các hình thức thanh toán tương đối khác nhau, đa dạng như: thẻ, ví điện tử … Thứ ba, toàn bộ hệ thống ngân hàng chủ động ví dụ như chuyển đổi số.

Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong, Trưởng ban tổ chức Ngày Thẻ Việt Nam 2023 chia sẻ, Ngày Thẻ Việt Nam đi tới mùa thứ ba tổ chức, từng bước khẳng định sức lan tỏa, uy tín và sự chuyên nghiệp. Chính vì vậy Ban tổ chức nêu sáng kiến và được NHNN cho phép lần đầu tổ chức hội thảo “Thúc đẩy hoạt động thẻ và xu hướng thanh toán tương lai”. Đây là bước tiến quan trọng cho thấy sự lớn mạnh của chuỗi sự kiện Ngày thẻ Việt Nam. Sau hơn hai tháng chuẩn bị kỹ lưỡng, ban soạn thảo nội dung đã gửi thư mời và nhận được những tham luận chất lượng nhất gửi đến từ các nhà quản lý, ngân hàng và tổ chức thẻ hàng đầu, chuyên gia tài chính ngân hàng trong nước và quốc tế. Các tham luận trình bày một cách khoa học từ thực tiễn sinh động về hoạt động thẻ tại thị trường Việt Nam, cũng như xu hướng thanh toán tương lai.

Ban tổ chức đánh giá cao một số đề xuất về giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, gợi mở về các xu hướng thanh toán mới, hiện đại không ngừng được cập nhật vì mục tiêu cao nhất là đem đến sự thuận lợi cho người dân và góp phần thúc đẩy kinh tế số tại Việt Nam.

Việt Nam được đánh giá có nhiều điều kiện để phát triển thanh toán không tiền mặt. Tính đến cuối năm 2022, có trên 77,41% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng. Hiện nay, thị trường đang hình thành hệ sinh thái số, kết nối liên thông giữa ngân hàng, tổ chức liên kết dịch vụ công, tạo nên trải nghiệm liền mạch cho người tiêu dùng. Người tiêu dùng chỉ cần 1 ứng dụng thanh toán đa dạng từ vé xem phim, ăn uống… Thị trường thẻ Việt Nam, nhất là thẻ tín dụng nội địa vẫn được các chuyên gia đánh giá còn nhiều dư địa để phát triển.

Bảo Chi

Tin khác