Xúc tiến chuyển giao công nghệ (Technology transfer promotion) và một số biện pháp
Mục Lục
Xúc tiến chuyển giao công nghệ (Technology transfer promotion)
Xúc tiến chuyển giao công nghệ - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Technology transfer promotion.
Công nghệ là một đầu vào cần thiết cho sản xuất, vì vậy, nó được mua - bán trên thị trường như một hàng hóa. Công nghệ là tập hợp các kiến thức về một qui trình hoặc các kĩ thuật chế biến cần thiết để sản xuất ra các sản phẩm công nghiệp hoàn chỉnh.
Chuyển giao công nghệ là cách thức để công nghệ được ứng dụng vào thực tế cuộc sống, đem lại lợi ích cho chủ sở hữu công nghệ, đồng thời thúc đẩy việc tạo ra công nghệ mới. (Theo Giáo trình Pháp luật Sở hữu Trí tuệ, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)
"Xúc tiến chuyển giao công nghệ là hoạt động thúc đẩy, tạo và tìm kiếm cơ hội chuyển giao công nghệ; cung ứng dịch vụ quảng cáo, trưng bày, giới thiệu công nghệ; tổ chức chợ, hội chợ, triển lãm công nghệ, trung tâm giao dịch công nghệ." (Theo Luật chuyển giao công nghệ năm 2006)
Phát triển thị trường công nghệ
Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia phát triển thị trường công nghệ bằng các hình thức sau đây:
- Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thị trường công nghệ, bao gồm chợ công nghệ, hội chợ công nghệ, triển lãm công nghệ, trung tâm giao dịch công nghệ, cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp công nghệ và các loại hình khác;
- Công bố, phổ biến, trình diễn, giới thiệu công nghệ và tham gia chợ, hội chợ, triển lãm công nghệ trong nước và nước ngoài.
Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biện pháp khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư tổ chức chợ, hội chợ, triển lãm công nghệ, các loại hình chuyển giao công nghệ khác và thu hút các thành phần kinh tế tham gia phát triển thị trường công nghệ.
Công nghệ khuyến khích chuyển giao cho vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn
- Công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển nguồn gen; lai tạo, cải tạo, nâng cao giá trị kinh tế của giống cây trồng, giống vật nuôi.
- Công nghệ nuôi trồng, bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản.
- Công nghệ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
- Công nghệ phòng, chống dịch bệnh cho giống cây trồng, giống vật nuôi.
- Công nghệ sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.
- Công nghệ cung cấp nước sạch, bảo vệ môi trường.
- Công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản phẩm truyền thống của làng nghề.
Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia
Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia nhằm thực hiện các mục tiêu sau đây:
- Nâng cao năng lực công nghệ quốc gia, hiệu quả hoạt động chuyển giao công nghệ;
- Phục vụ chương trình kinh tế trọng điểm quốc gia;
- Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thay thế công nghệ lạc hậu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, làm chủ công nghệ được chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam;
- Tăng cường nguồn lực công nghệ tại vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Căn cứ vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kì, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan xây dựng, trình Chính phủ phê duyệt Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia.
Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia. (Theo Luật chuyển giao công nghệ năm 2006)