Xử lí rủi ro (Risk treatment) là gì? Lựa chọn các phương án xử lí rủi ro
Mục Lục
Xử lí rủi ro
Xử lí rủi ro trong tiếng Anh gọi là: Risk treatment.
Xử lí rủi ro là việc chọn một hoặc nhiều phương án để thay đổi rủi ro và thực hiện những phương án này. Khi được thực hiện, các xử lí sẽ cung cấp hoặc thay đổi các kiểm soát.
Xử lí rủi ro liên quan đến một quá trình theo chu kì gồm:
- Đánh giá việc xử lí rủi ro;
- Quyết định mức độ rủi ro tồn đọng có chấp nhận được hay không;
- Nếu không chấp nhận được, tạo ra một xử lí rủi ro mới; và
- Đánh giá hiệu lực của việc xử lí đó.
Các phương án xử lí rủi ro không nhất thiết phải loại trừ lẫn nhau hoặc thích hợp trong mọi tình huống.
Các phương án có thể bao gồm:
- Tránh rủi ro bằng cách quyết định không bắt đầu hoặc tiếp tục hoạt động làm phát sinh rủi ro;
- Tiếp nhận hoặc làm tăng rủi ro để theo đuổi một cơ hội;
- Loại bỏ nguồn rủi ro;
- Thay đổi khả năng xảy ra;
- Thay đổi hệ quả;
- Chia sẻ rủi ro với một hoặc nhiều bên khác (bao gồm cả hợp đồng và tài trợ rủi ro);
- Kiềm chế rủi ro bằng quyết định sáng suốt.
Lựa chọn các phương án xử lí rủi ro
Lựa chọn một phương án xử lí rủi ro thích hợp nhất, liên quan đến việc cân đối giữa chi phí và nỗ lực thực hiện các lợi ích thu được về các yêu cầu luật định, chế định và các yêu cầu khác như trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường tự nhiên.
Các quyết định cũng cần phải tính đến các rủi ro có thể đảm bảo việc xử lí nhưng không thuyết phục về mặt kinh tế, ví dụ rủi ro có hệ quả nghiêm trọng nhưng khó xảy ra.
Một số phương án xử lí có thể được xem xét và áp dụng riêng lẻ hoặc kết hợp. Bình thường, tổ chức có thể được lợi từ việc chấp nhận một kết hợp các phương án xử lí.
Khi chọn lựa các phương án xử lí rủi ro, tổ chức nên xem xét các giá trị và nhận thức của các bên liên quan và những cách thích hợp nhất để trao đổi thông tin với họ. Khi phương án xử lí rủi ro có thể tác động đến rủi ro ở nơi nào khác trong tổ chức hoặc với các bên liên quan, thì những phương án này cần được tính đến trong quyết định.
Mặc dù hiệu lực như nhau, nhưng một số xử lí rủi ro có thể được một số bên liên quan chấp nhận hơn so với các xử lí khác. Phương án xử lí cần xác định rõ thứ tự ưu tiên, trong đó các xử lí rủi ro riêng lẻ cần được thực hiện.
Bản thân xử lí rủi ro cũng có thể gây ra rủi ro. Một rủi ro đáng kể có thể là sự thất bại hoặc không hiệu quả của các biện pháp xử lí rủi ro. Theo dõi cần là một phần không thể thiếu của phương án xử lí rủi ro để đảm bảo duy trì hiệu lực của các biện pháp này.
Xử lí rủi ro cũng có thể gây ra những rủi ro thứ phát cần phải được đánh giá, xử lí, theo dõi và xem xét. Những rủi ro thứ phát này cần được đưa vào cùng phương án xử lí như rủi ro ban đầu chứ không xử lí như một rủi ro mới. Cần phải xác định và duy trì mối liên hệ giữa hai rủi ro này.
(1) Các phương án xử lí rủi ro phổ biến bao gồm:
a. Tránh né: Dùng “đường đi khác” để né tránh rủi ro, đường đi mới có thể không có rủi ro, có rủi ro nhẹ hơn, hoặc chi phí đối phó rủi ro thấp hơn.
b. Chuyển giao: Giảm thiểu rủi ro bằng cách chia sẻ tác hại khi chúng xảy ra.
c. Giảm nhẹ: Thực thi các biện pháp để giảm thiểu khả năng xảy ra rủi ro hoặc giảm thiểu tác động và chi phí khắc phục rủi ro nếu nó xảy ra.
d. Chấp nhận: Chấp nhận “sống chung” với rủi ro trong trường hợp chi phí loại bỏ, phòng tránh, làm nhẹ rủi ro quá lớn (lớn hơn chi phí khắc phục tác hại), hoặc tác hại của rủi ro nếu xảy ra là nhỏ hay cực kì thấp.
(2) Kế hoạch đối phó có thể là:
- Thu thập hoặc mua thông tin để có kế hoạch kiểm soát tốt hơn.
- Lập kế hoạch khắc phục tác hại khi rủi ro xảy ra.
(Tài liệu tham khảo: Quản lí rủi ro theo ISO 31000, NXB Hồng Đức)