Đầu tư dài hạn (Long-term Investment) là gì? Phân loại đầu tư dài hạn
Mục Lục
Đầu tư dài hạn (Long-term Investment)
Đầu tư dài hạn trong tiếng Anh là Long-term Investment. Đầu tư dài hạn là quá trình hoạt động sử dụng vốn để hình thành nên những tài sản cần thiết nhằm phục vụ cho mục đích thu lợi nhuận trong khoảng thời gian dài trong tương lai.
Bản chất
Theo khái niệm trên, đầu tư dài hạn của doanh nghiệp chính là hoạt động bỏ vốn để mua sắm, xây dựng hình thành các tài sản cố định hữu hình và tài sản cố định vô hình, hình thành lượng tài sản lưu động thường xuyên cần thiết phù hợp với một mô hình kinh doanh nhất định...
Phân loại
* Theo cơ cấu vốn đầu tư
Căn cứ vào cơ cấu vốn đầu tư của doanh nghiệp có thể chia đầu tư của doanh nghiệp thành các loại:
(1) Đầu tư xây dựng cơ bản
Đây là khoản đầu tư nhằm tạo ra tài sản cố định của doanh nghiệp.
Thông thường doanh nghiệp phải sử dụng khoản vốn lớn để thực hiện đầu tư về tài sản cố định thông qua việc xây dựng và mua sắm.
Trong đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) lại có thể thực hiện phân loại chi tiết dựa theo những tiêu thức nhất định.
- Dựa vào tính chất công tác: Có thể phân chia đầu tư xây dựng cơ bản của doanh nghiệp thành: đầu tư cho công tác xây lắp; đầu tư cho máy móc thiết bị, đầu tư XDCB khác.
- Theo hình thái vật chất của kết quả đầu tư: Có thể chia đầu tư xây dựng cơ bản của doanh nghiệp thành hai loại như sau: đầu tư về tài sản cố định hữu hình và đầu tư về tài sản cố định vô hình.
(2) Đầu tư về vốn lưu động thường xuyên cần thiết
Đây là khoản đầu tư để hình thành nên tài sản lưu động tối thiểu thường xuyên cần thiết (nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu) đảm bảo cho quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tiến hành hoạt động bình thường.
Tùy thuộc vào mô hình tổ chức nguồn vốn mà có thể đầu tư một phần hoặc toàn bộ tài sản lưu động thường xuyên cần thiết tương ứng với một qui mô kinh doanh nhất định.
(3) Đầu tư góp vốn liên doanh dài hạn và đầu tư vào tài sản tài chính
Đây là các khoản đầu tư ra bên ngoài của doanh nghiệp.
Ý nghĩa
Việc phân loại đầu tư theo cơ cấu nguồn vốn giúp cho doanh nghiệp có thể xem xét tính chất hợp lí của các khoản đầu tư trong tổng thể đầu tư của doanh nghiệp để đảm bảo xây dựng được cơ cấu vốn đầu tư thích ứng với điều kiện cụ thể của từng doanh nghiệp nhằm đạt hiệu quả đầu tư cao.
* Theo mục tiêu đầu tư
Căn cứ vào mục tiêu đầu tư cụ thể của doanh nghiệp có thể chia đầu tư của doanh nghiệp thành các loại sau:
- Đầu tư hình thành doanh nghiệp: bao gồm các khoản đầu tư ban đầu để thành lập doanh nghiệp.
- Đầu tư mở rộng qui mô kinh doanh: là toàn bộ các khoản đầu tư nhằm mở rộng thêm các phân xưởng mới hay các đơn vị trực thuộc.
- Đầu tư chế tạo sản phẩm mới: là khoản đầu tư cho nghiên cứu và phát triển sản phẩm, tạo điều kiện lâu dài cho doanh nghiệp.
- Đầu tư thay thế, hiện đại hóa máy móc: là khoản đầu tư thay thế cho các thiết bị cũ hư hỏng, hoặc đổi mới các trang thiết bị cho phù hợp với tiến bộ khoa học kĩ thuật.
- Đầu tư ra bên ngoài: là sự đầu tư góp vốn thực hiện liên doanh dài hạn với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khác, đầu tư về tài sản tài chính khác.
Ý nghĩa
Việc phân loại này giúp cho doanh nghiệp có thể kiểm soát được tình hình thực hiện đầu tư theo những mục tiêu nhất định mà doanh nghiệp đặt ra trong một thời kì và có thể tập trung vốn và biện pháp thích ứng để đạt được mục tiêu đầu tư đã đề ra.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Tài chính doanh nghiệp, NXB Tài chính)