Vốn đầu tư cơ bản (Basic invested capital) trong kinh tế nông nghiệp là gì?
Mục Lục
Vốn đầu tư cơ bản
Vốn đầu tư cơ bản trong tiếng Anh tạm dịch là: Basic invested capital.
Vốn đầu tư cơ bản là tổng hợp các chi phí để tái sản xuất tài sản cố định. Nó nhằm xây dựng những tài sản cố định mới, mở rộng, xây dựng và hoàn thiện kĩ thuật của tài sản cố định hiện có để hiện đại hoá công cụ sản xuất và áp dụng những qui trình kĩ thuật mới.
Chi phí xây dựng cơ bản trong nông nghiệp có thể chia thành ba nhóm: chi phí về xây dựng, chi phí về mua sắm máy móc thiết bị và chí phí xây dựng cơ bản khác.
Vốn đầu tư cơ bản là nguồn gốc chủ yếu để xây dựng vốn cố định. Song giữa vốn đầu tư cơ bản và vốn cố định có sự khác nhau về số lượng và chất lượng.
Về số lượng, không phải tất cả vốn đầu tư cơ bản được thực hiện đều phản ánh trong giá trị của vốn cố định.
Về mặt chất lượng, vốn cố định là vốn đầu tư cơ bản được sử dụng vào sản xuất. Nghĩa là vốn đầu tư đã được mua sắm máy móc, thiết bị, xây dựng các công trình, vườn cây lâu năm, đàn gia súc cơ bản... còn vốn đầu tư cơ bản mới là vốn cố định tiềm tàng.
Thực hiện đầu tư cơ bản là biện pháp chủ yếu để phát triển kinh tế quốc dân, trong đó có nông nghiệp. Phương hướng đầu tư đúng đắn có tác dụng quyết định trong việc nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, tăng nhanh khối lượng nông sản, tăng tích luỹ..
Đầu tư vốn cơ bản có thể thực hiện theo hai phương thức: chiều rộng và chiều sâu. Đầu tư vốn theo chiều rộng là đầu tư gắn liền với việc tăng tài sản cố định trên cơ sở trình độ kĩ thuật và công nghệ hiện có. Đầu tư theo chiều sâu gắn với việc tăng tài sản cố định trên cơ sở áp dụng kĩ thuật mới và hiện đại.
Hiệu quả vốn đầu tư cơ bản
Hiệu quả vốn đầu tư cơ bản được xem xét trên hai mặt: Hiệu quả chung (tuyệt đối) và hiệu quả so sánh. Hiệu quả chung của vốn đầu tư phản ánh quan hệ giữa lượng giá trị sản lượng, tổng thu nhập và thu nhập thuần tuý với vốn đầu tư cơ bản.
Nó còn được xem xét trong phần tăng thêm của giá trị sản lượng, tổng thu nhập và thu nhập thuần tuý với phần đầu tư bổ sung.
Hiệu quả so sánh phản ánh hiệu quả của phương án này so với phương án khác. Nó có thể tính chung hiệu quả cho cả ngành nông nghiệp, cho từng tiểu ngành trên phạm vi cả nước, từng địa phương, từng xí nghiệp.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế Nông nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo Hà Nội)