Khung kết quả (Results framework - RF) là gì?
Mục Lục
Khung kết quả
Khung kết quả trong tiếng Anh gọi là: Results framework - RF.
Khung kết quả là cách giải thích cách thức để đạt được các cấp kết quả, trong đó trình bày chi tiết quan hệ nhân quả giữa các cấp độ của sự can thiệp phát triển, rủi ro và các giả định.
RF phản ánh tư duy mang tính chiến lược của cơ quan hoạch định phát triển nhằm đạt đến kết quả phát triển dự kiến, cũng như sự phối hợp cần có giữa các chủ thể trong việc thực hiện các can thiệp bộ phận thuộc trách nhiệm của mình nhằm đạt đến kết quả phát triển chung.
Vì thế, lập trách nhiệm dựa trên kết quả chủ yếu tập trung vào việc xây dựng được RF của sự can thiệp phát triển một cách khoa học, logic, dễ hiểu, dễ theo dõi và đánh giá.
Khung kết quả là một trong những thành tố cơ bản của quản lí dựa trên kết quả (RBM) trong kế hoạch hóa phát triển.
Dựa trên nguyên tắc chung của RBM, có nhiều cách thiết kế RF khác nhau tùy theo thông lệ, thói quen của từng cơ quan, đơn vị.
Tuy nhiên, tất cả các RF đều phải chứa đựng những nội dung cơ bản như:
(i) Chuỗi kết quả của sự can thiệp;
(ii) Các chỉ số phản ánh từng cấp độ kết quả;
(iii) Nguồn dữ liệu để theo dõi các chỉ số; và
(iv) Các giả định, rủi ro cơ bản ứng với từng cấp độ kết quả. Những thông tin này có thể được trình bày theo chiều dọc (chi tiết hóa dần từ trên xuống dưới), hoặc theo chiều ngang (chi tiết hóa dần từ trái qua phải).
Chuỗi kết quả có thể rất chi tiết, không phải chỉ dừng lại ở 3 cấp độ cơ bản là tác động - kết quả trực tiếp và đầu ra mà còn có thêm các cấp độ trung gian giữa tác động và kết quả trực tiếp nữa.
(Như từ mục tiêu quốc gia, cụ thể xuống mục tiêu của ngành/địa phương, rồi mới cụ thể hóa thành kết quả trực tiếp của từng can thiệp cụ thể theo chương trình, dự án hoạch giải pháp kế hoạch).
Các chỉ số có thể bao gồm cả giá trị kì gốc, chỉ tiêu cuối kì kế hoạch hoặc thậm chí chỉ tiêu theo các mốc thời điểm trung gian giữa kì kế hoạch. Các giả định, rủi ro cũng cần chọn lọc, chỉ tập trung vào những yếu tố có khả năng xảy ra lớn và tác động mạnh đến kết quả thực hiện kế hoạch mà thôi.
(Tài liệu tham khảo: Kế hoạch hóa phát triển, GS.TS. Ngô Thắng Lợi, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân, 2019)