Virus trong thương mại điện tử là gì? Các loại Virus
Mục Lục
Virus trong thương mại điện tử
Virus máy tính nói chung là một chương trình phần mềm có khả năng tự sao chép chính nó từ đối tượng lây nhiễm này sang đối tượng khác (đối tượng có thể là các file chương trình, văn bản, máy tính...). (Theo định nghĩa của bkav)
Virus có nhiều cách lây lan và tất nhiên cũng có nhiều cách phá hoại, nhưng chúng ta chỉ cần nhớ rằng đó là một đoạn chương trình và đoạn chương trình đó thường dùng để phục vụ những mục đích không tốt.
Cách lây lan của Virus
Có rất nhiều con đường mà virus có thể lợi dụng để xâm nhập vào máy tính. Virus có thể lây qua mạng nội bộ (mạng LAN), qua email, qua các file tải về từ Internet hay từ các ổ đĩa USB.
Tinh vi hơn, chúng có thể lợi dụng các lỗ hổng phần mềm, kể cả hệ điều hành để xâm nhập, lây nhiễm lên máy tính thông qua mạng.
Các loại Virus tấn công vào thương mại điện tử
Virus tấn công vào thương mại điện tử thường gồm 3 loại chính:
- Virus ảnh hưởng tới các tệp (file) chương trình (gắn liền với những file chương trình, thường là .COM hoặc .EXE).
- Virus ảnh hưởng tới hệ thống (đĩa cứng hoặc đĩa khởi động).
- Virus macro. Virus macro là loại virus phổ biến nhất, chiếm từ 75% đến 80% trong tổng số các virus được phát hiện. Đây là loại virus đặc biệt chỉ nhiễm vào các tệp ứng dụng soạn thảo, chẳng hạn như các tệp ứng dụng của MS Word, Excel và Power Point .
Khi người sử dụng mở các tài liệu bị nhiễm virus trong các chương trình ứng dụng, virus này sẽ tự tạo ra các bản sao và nhiễm vào các tệp chứa đựng các khuôn mẫu của ứng dụng, để từ đó lây sang các tài liệu khác.
Tác hại của Virus
Các loại virus có thể gây ra những tác hại nghiêm trọng, đe doạ tính toàn vẹn và khả năng hoạt động liên tục, thay đổi các chức năng, thay đổi các nội dung dữ liệu hoặc đôi khi làm ngưng trệ toàn bộ hoạt động của nhiều hệ thống trong đó có các website thương mại điện tử.
Nó được đánh giá là mối đe doạ lớn nhất đối với an toàn của các giao dịch thương mại điện tử hiện nay.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Thương mại điện tử căn bản, 2009, Đại học Ngoại Thương)