1. Quản trị kinh doanh

Văn hoá kinh tế (Rational Culture) của Quinn và McGrath là gì? Đặc trưng

Mục Lục

Văn hoá kinh tế của Quinn và McGrath

Văn hoá kinh tế hay còn gọi là Văn hoá thị trường trong tiếng Anh được gọi là Rational Culture hay Market culture.

Theo văn hoá kinh tế của Quinn và McGrath (1985) thì việc phân loại văn hoá công ty dựa vào đặc trưng của quá trình trao đổi thông tin trong tổ chức. Những trao đổi, giao tiếp này là rất cần thiết để khẳng định vị thế của mỗi cá nhân hay tập thể, quyền lực họ có và có thể sử dụng, mức độ thoả mãn với hiện trạng trong tổ chức. 

Những thông tin trao đổi phản ánh chuẩn mực hành vi, niềm tin, giá trị ưu tiên của họ. Chính vì vậy, chúng có thể được coi là một tiêu chí đáng tin cậy để phân biệt giữa các tập thể và cá nhân. 

Phân loại văn hoá

Các tác giả này cũng chia văn hoá công ty thành 4 dạng: 

- Kinh tế hay thị trường (rational hay market)

- Triết lí hay đặc thù (ideological hay adhocracy)

- Đồng thuận hay phường hội (concensual hay clan) 

- Thứ bậc (hierarchical)

Những đặc trưng văn hoá này sẽ thể hiện rõ khi xuất hiện sự giao tiếp giữa các cá nhân hay tập thể để quyết định về một vấn đề gì đó quan trọng (sự kiện, ý tưởng, luật lệ).

Đặc trưng

Văn hoá kinh tế hay văn hoá thị trường được thiết lập để theo đuổi các mục tiêu năng suất và hiệu quả. 

Trong tổ chức có văn hoá dạng này, cấp trên là người đóng vai trò quyết định đến việc duy trì và thực thi văn hoá, quyền lực được uỷ thác phụ thuộc vào năng lực của họ. 

Phong cách lãnh đạo của dạng văn hoá này là chỉ đạo và tập trung vào việc hoàn thành mục tiêu, các quyết định phải được thi hành, tinh thần tự giác của người lao động là do được khích lệ và đảm bảo bởi những cam kết trong hợp đồng lao động. 

Kết quả lao động được đánh giá trên cơ sở những sản phẩm hữu hình, người lao động được khích lệ hoàn thành những kết quả dự kiến. 

Ưu và nhược điểm

- Những ưu điểm quan trọng của dạng văn hoá tổ chức này thể hiện ở sự hăng hái, chuyên cần và nhiều sáng kiến của người lao động. 

- Điểm hạn chế chủ yếu là đôi khi tỏ ra quá thực dụng.

Trong văn hoá thị trường, hoàn thành mục tiêu và kết quả công việc được coi trọng. Mọi biện pháp trong quản lí đều hướng tới việc khích lệ, trợ giúp nhân viên nỗ lực hoàn thành mục tiêu với kết quả tốt nhất. 

Triết lí vị lợi hiển hiện rất rõ nét. Các ràng buộc pháp lí bằng những cam kết chính thức trong hợp đồng lao động, là dấu hiệu điển hình của triết lí đạo đức hành vi. 

Tuy vậy, khiếm khuyết của những triết lí trên được làm mờ đi bởi việc vận dụng triết lí đạo đức nhân cách qua việc kích thích tinh thần tự giác của người lao động. Triết lí vị lợi vẫn là nốt nhạc chính.

(Tài liệu tham khảo: Văn hoá Doanh nghiệp, PGS. TS. Nguyễn Mạnh Quân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2012)

Thuật ngữ khác