Ủy ban thực thi chung (Joint Implementation Committee - JIC) là cơ quan nào?
Mục Lục
Ủy ban thực thi chung (Joint Implementation Committee - JIC)
Ủy ban thực thi chung - danh từ, trong tiếng Anh được gọi là Joint Implementation Committee, viết tắt là JIC.
Ủy ban Thực thi Chung hay còn gọi là JIC là cơ quan được thành lập bởi các bên tham gia hiệp định VPA/FLEGT, có chứ năng thúc đẩy việc giám sát và đánh giá Hiệp định này. JIC thúc đẩy đối thoại và trao đổi thông tin giữa các Bên.
JIC được thành lập trong vòng 03 tháng kể từ ngày Hiệp định có hiệp lực theo qui định. Mỗi Bên tham gia hiệp định chỉ định đại diện tham gia vào JIC. JIC đưa ra các quyết định trên cơ sở đồng thuận. Đồng chủ trì của JIC là quan chức cao cấp do mỗi Bên chỉ định. (Theo Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI)
Nhiệm vụ, chức năng của JIC
Giám sát và đánh giá việc thực thi Hiệp định VPA/FLEGT
1. Cân nhắc và thông qua các biện pháp chung để thực thi Hiệp định này, đề xuất và/hoặc thực hiện bất kì biện pháp nào nhằm nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định.
2. Giám sát và đánh giá tiến độ chung việc thực thi Hiệp định này, bao gồm việc vận hành VNTLAS và cơ chế cấp phép FLEGT dựa trên kết quả và báo cáo của Đơn vị đánh giá độc lập theo qui định.
3. Giám sát và đánh giá tác động kinh tế, xã hội và môi trường của việc thực thi Hiệp định này và quyết định các biện pháp phù hợp để giảm thiểu các tác động tiêu cực có thể xảy ra.
4. Xác định các lĩnh vực hợp tác nhằm hỗ trợ việc thực thi Hiệp định này, bao gồm cả đóng góp của các bên liên quan.
5. Thành lập các bộ phận trực thuộc để triển khai công việc hỗ trợ JIC khi cần thiết. Công việc hỗ trợ có thể là tiếp nhận và xem xét khiếu nại liên quan đến việc thực thi Hiệp định này.
6. Dự thảo, phê duyệt và công bố các báo cáo chung thường niên, biên bản các cuộc họp của JIC và các tài liệu khác có liên quan đến hoạt động của JIC.
7. Yêu cầu tiến hành thanh tra, kiểm tra nội bộ liên quan đến việc thực hiện VNTLAS và tiếp nhận kết quả thanh tra, kiểm tra nội bộ liên quan đến việc thực hiện VNTLAS.
Quản lí đánh giá độc lập
1. Phê duyệt việc lựa chọn Đơn vị đánh giá độc lập do phía Việt Nam chỉ định sau khi tham vấn với EU, dựa trên Điều khoản tham chiếu cho Đơn vị đánh giá độc lập được qui định tại Phụ lục VI của Hiệp định này.
2. Phê duyệt Báo cáo khởi động, bao gồm kế hoạch đánh giá, phương pháp đánh giá, khung báo cáo, do Đơn vị đánh giá độc lập chuẩn bị.
3. Chuẩn bị hoặc chỉ định bộ phận trực thuộc của JIC để dự thảo Điều khoản tham chiếu cụ thể cho từng đợt đánh giá định kì của Đơn vị đánh giá độc lập và khuyến nghị các đợt đánh giá hoặc nghiên cứu bổ sung khi được yêu cầu.
4. Phê duyệt thiết kế của hệ thống quản lí khiếu nại về hoạt động của VNTLAS và cơ chế quản lí khiếu nại liên quan đến Đơn vị đánh giá độc lập theo qui định.
5. Tiếp nhận, xem xét và góp ý cho tất cả các báo cáo do Đơn vị đánh giá độc lập đệ trình.
6. Thống nhất về các biện pháp khắc phục điểm yếu hoặc bất kì sự không tuân thủ trong VNTLAS dựa trên các phát hiện của Đơn vị đánh giá độc lập hoặc dựa trên các bằng chứng khác hoặc khiếu nại liên quan đến VNTLAS; và giám sát tác động của các biện pháp khắc phục đó.
7. Công bố các báo cáo tóm tắt và biên bản các cuộc họp của JIC về báo cáo của Đơn vị đánh giá độc lập theo qui định.
8. Thông qua việc gia hạn hợp đồng với Đơn vị đánh giá độc lập, khi có yêu cầu. (Theo FLEGT-VPA)