Tư duy tinh gọn (Lean Thinking) là gì? Phương pháp
Mục Lục
Tư duy tinh gọn
Tư duy tinh gọn trong tiếng Anh là Lean Thinking.
Tư duy tinh gọn còn được biết đến như sản xuất tinh gọn hay triết lí Toyota.
Tư duy tinh gọn là mô hình tập trung vào việc loại bỏ lãng phí và không hiệu quả, được định nghĩa là bất cứ thứ gì không cần thiết cho sản xuất một sản phẩm hay dịch vụ.
Trong tư duy tinh gọn, tồn kho được xem như căn nguyên của mọi rắc rối. Tồn kho lớn che phủ tất cả những vấn đề thực sự của tổ chức, cản trở tổ chức linh hoạt và hiệu quả hơn. Nếu tồn kho giảm đi trên cơ sở có cấu trúc, những trục trặc thực sự sẽ rõ ràng và từ đó chúng có thể được giải quyết hợp lí.
Tư duy tinh gọn đòi hỏi các công ty liên tục nhận diện và loại bỏ những nguồn lãng phí theo bảy số không:
1. Không khiếm khuyết;
2. Không nhiều khối lượng lô (quá mức);
3. Không thiết lập;
4. Không hỏng hóc;
5. Không vận chuyển (quá mức);
6. Không thời gian chết;
7. Không dao động.
Theo bảy số không, tư duy tinh gọn chủ trương sản xuất theo luồng chú trọng vào giao hàng tức thời.
Phương pháp sử dụng tư duy tinh gọn
Có năm bước chính yếu trong tư duy tinh gọn:
1. Nhận diện các yếu tố định hướng tạo ra giá trị (nhận diện giá trị và khám phá nhu cầu khách hàng)
Việc đánh giá các yếu tố định hướng giá trị phải được thực hiện từ góc độ khách hàng bên trong và bên ngoài. Giá trị được thể hiện ở chỗ một sản phẩm hay dịch vụ thỏa mãn nhu cầu của khách hàng như thế nào với một mức giá nhất định và tại một thời điểm nhất định.
2. Nhận diện chuỗi giá trị (chuỗi hành động gia tăng giá trị cho sản phẩm hay dịch vụ)
Các hoạt động đóng góp cho giá trị được nhận diện với sự hỗ trợ của sơ đồ chuỗi giá trị, trong đó tất cả các hoạt động được đánh giá tùy theo việc liệu chúng có gia tăng giá trị cho sản phẩm hay dịch vụ không. Cuối cùng, các hoạt động không gia tăng giá trị bị loại bỏ khi có thể.
3. Tạo lập luồng hoạt động (đảm bảo sản xuất dạng luồng: tạo lập các luồng sản phẩm và dịch vụ qua các qui trình)
Những nỗ lực cải tiến bổ sung được hướng tới việc tạo ra các hoạt động trong luồng chuỗi giá trị. Luồng là sự chuyển động không ngừng của một sản phẩm hay dịch vụ thông qua hệ thống tới khách hàng. Những hạn chế chính của luồng là làm việc theo thứ tự, xử lí theo lô và vận chuyển.
4. Để cho khách hàng kéo sản phẩm hay dịch vụ thông qua qui trình (kiểm soát sản xuất kéo)
Đồng bộ hóa sản xuất với nhu cầu thực sự của khách hàng. Sản phẩm phải được kéo khỏi hệ thống dựa trên nhu cầu thực sự của khách hàng. Chuỗi giá trị phải có khả năng phản hồi khi cung cấp sản phẩm và dịch vụ khi khách hàng cần chứ không phải trước hay sau đó.
5. Tối ưu hệ thống liên tục
Tìm kiếm sự hoàn hảo bằng cách liên tục cải tiến các qui trình, loại bỏ lãng phí và hoạt động quản lí hữu hiệu.
(Tài liệu tham khảo: Những mô hình quản trị kinh điển, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)