Thôn tính thù địch (Hostile Takeover) là gì?
Mục Lục
Thôn tính thù địch
Thôn tính thù địch trong tiếng Anh là Hostile Takeover.
Thôn tính thù địch là việc mua lại một công ty (công ty mục tiêu, hay bên mục tiêu) bởi một công ty khác (bên mua) được thực hiện bằng đến gặp trực tiếp các cổ đông của công ty mục tiêu hoặc đấu tranh để thay thế ban quản lí để thương vụ mua lại được chấp thuận. Một vụ thôn tính thù địch có thể được thực hiện bằng hình thức chào thầu hoặc một cuộc chiến tranh quyền đại diện.
Đặc điểm chính của cuộc thôn tính thù địch là các nhà quản lí của công ty mục tiêu không muốn thỏa thuận mua lại này được thực hiện. Đôi khi, ban lãnh đạo của một công ty sẽ bảo vệ chống lại cuộc thôn tính thù địch không mong muốn bằng cách sử dụng một số chiến lược phòng vệ.
Bản chất thôn tính thù địch
Thôn tính thù địch bắt đầu khi một tổ chức hay thực thể kinh doanh muốn giành quyền kiểm soát công ty khác mà không có sự đồng ý hoặc hợp tác của ban giám đốc của công ty mục tiêu.
Để thay thế cho sự chấp thuận của hội đồng quản trị của công ty mục tiêu, bên thâu tóm có thể đưa ra một đề nghị chào thầu, mở đầu một cuộc chiến tranh quyền đại diện hoặc cố gắng thu gom lượng cổ phiếu cần thiết trên thị trường chứng khoán.
Các nguyên nhân mà bên mua lại thực hiện cuộc thôn tính thù địch thường giống với các yếu tố của các vụ thâu tóm khác, bao gồm: Bên mua tin rằng công ty mục tiêu đang bị đánh giá thấp hoặc muốn sở hữu thương hiệu, hoạt động, công nghệ của công ty mục tiêu.
Thôn tính thù địch cũng có thể là động thái chiến lược của các nhà đầu tư chủ động đang tìm cách thay đổi hoạt động của một công ty để tăng hiệu quả hoạt động của nó.
Chào thầu và tranh quyền đại diện trong thôn tính thù địch
Khi một công ty hoặc một nhà hay một nhóm nhà đầu tư đưa ra đề nghị chào thầu, tức là đề nghị mua lại cổ phần của công ty mục tiêu với giá cao hơn giá trị thị trường hiện tại, ban giám đốc của công ty mục tiêu có thể từ chối lời đề nghị này.
Công ty mua có thể đề nghị trực tiếp thoả thuận đó với các cổ đông, họ có quyền lựa chọn chấp nhận nó nếu họ thoả mãn với giá đề nghị hoặc họ không hài lòng với cách điều hành của ban giám đốc hiện tại. Việc bán cổ phiếu chỉ diễn ra nếu đủ số lượng cổ đông, thường phải chiếm đa số, đồng ý chấp nhận đề nghị.
Trong một cuộc chiến tranh quyền đại diện, các nhóm cổ đông đối lập thuyết phục các cổ đông khác uỷ quyền đại diện cho họ. Nếu bên mua trong cuộc thôn tính thù địch có đủ ủy quyền, họ có thể sử dụng chúng để bỏ phiếu tán thành việc chấp nhận đề nghị.
(Theo investopedia.com)