1. Kinh tế học

Truyền thông môi trường (Environmental communication) là gì? Mục tiêu và phương thức

Mục Lục

Truyền thông môi trường

Truyền thông môi trường trong tiếng Anh gọi là: Environmental communication.

Truyền thông được hiểu là một quá trình trao đổi thông tin, ý tưởng, tình cảm, suy nghĩ, thái độ giữa các cá nhân hoặc nhóm người. 

Truyền thông môi trường là một quá trình tương tác xã hội hai chiều nhằm giúp cho những người có liên quan hiểu được các yếu tố môi trường then chốt, mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa chúng và cách tác động vào các vấn đề có liên quan một cách thích hợp để giải quyết các vấn đề về môi trường.

Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của quần chúng. Các nhiệm vụ bảo vệ môi trường có được hoàn thành hay không phụ thuộc một phần lớn vào nhận thức và ý thức môi trường của toàn xã hội. 

Do đó, giáo dục và truyền thông môi trường cũng là một công cụ quản lí môi trường gián tiếp và rất cần thiết, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.

Mục tiêu truyền thông môi trường

Mục tiêu của truyền thông môi trường nhằm: 

- Thông tin cho người bị tác động bởi các vấn đề môi trường biết tình trạng của họ, từ đó giúp họ quan tâm đến việc tìm kiếm các giải pháp khắc phục;

- Huy động các kinh nghiệm, kĩ năng, bí quyết địa phương tham gia vào các chương trình bảo vệ môi trường;

- Thương lượng hoà giải các xung đột, khiếu nại, tranh chấp về môi trường giữa các cơ quan và trong nhân dân;

- Tạo cơ hội cho mọi thành phần trong xã hội tham gia vào việc bảo vệ môi trường, xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường;

- Khả năng thay đổi các hành vi sẽ được hữu hiệu hơn thông qua đối thoại thường xuyên trong xã hội.  

Phương thức thực hiện

Truyền thông môi trường có thể thực hiện thông qua các phương thức chủ yếu sau: 

- Chuyển thông tin tới từng cá nhân qua việc tiếp xúc tại nhà, tại cơ quan, gọi điện thoại, gửi thư;

- Chuyển thông tin tới các nhóm thông qua hội thảo tập huấn, huấn luyện, họp nhóm, tham quan khảo sát;

- Chuyển thông tin qua các phương tiện truyền thông đại chúng: báo chí, ti vi, radio, pano, áp phích, tờ rơi, phim ảnh; ...

- Tiếp cận truyền thông qua những buổi biểu diễn lưu động, tổ chức hội diễn, các chiến dịch, các lễ hội, các ngày kỉ niệm...

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình kinh tế và quản lí môi trường, Nguyễn Thế Chinh, Đại học Kinh tế Quốc dân)


Thuật ngữ khác