Trường phái kinh tế Áo (Austrian School of Economics) là gì? Một số học thuyết của trường phái kinh tế Áo
Mục Lục
Trường phái kinh tế Áo (Austrian School of Economics)
Trường phái kinh tế Áo trong tiếng Anh là Austrian School of Economics, hay Austrian Economics, Austrian School.
Trường phái kinh tế Áo là nhóm các nhà kinh tế cuối thế kỉ 19 thuộc trường Đại học tổng hợp Viên (Menger, Wieser, Bohm Bawerk). Nhóm này đã để ra một quan điểm mới về nghiên cứu kinh tế. Họ phản đối lí thuyết giá trị của các nhà kinh tế cổ điển như Smith và Ricardo - những người cho rằng lao động quyết định giá trị và đưa ra lí thuyết lợi ích cận biên.
Theo Menger, giá trị của một hàng hóa được quyết định bởi ích lợi hay khoái cảm mà người tiêu dùng có thể thu được khi tiêu dùng hàng hóa và việc tiêu dùng ngày càng nhiều một hàng hóa nào đó sẽ đem lại lợi ích cận biên giảm dần.
Wieser tiếp tục phát triển quan điểm của Menger và đưa ra khái niệm chi phí cơ hội, còn Bohm Bawerk góp phần xây dựng lí thuyết về lãi suất và tư bản. Ông cũng là người đã lập luận rằng giá cả cho việc sử dụng vốn (tư bản) phụ thuộc vào sở thích của người tiêu dùng - cái được coi là cơ sở cho việc lựa chọn giữa tiêu dùng hiện tại và tiêu dùng tương lai.
Một số học thuyết của trường phái kinh tế Áo
Chi phí cơ hội
Học thuyết về chi phí cơ hội lần đầu tiên được công thức hóa một cách đầy đủ bởi nhà kinh tế Áo Friedrich von Wieser vào cuối thế kỉ 19. Chi phí cơ hội là chi phí cho một hoạt động được đo bằng giá trị của hoạt động tạo ra giá trị lớn tiếp theo đã không được thực hiện vì lựa chọn hoạt động ban đầu.
Đó là sự hi sinh liên quan tới lựa chọn tốt thứ hai cho một người hoặc một tổ chức, vốn có trong tay vài lựa chọn cùng lúc. Quan điểm này hiện nay được nhất trí bởi mọi kinh tế gia đương đại thuộc mọi trào lưu tư tưởng kinh tế.
Vốn và lãi suất
Học thuyết của trường phái kinh tế Áo về vốn và lãi suất được phát triển lần đầu bởi Eugen von Bohm-Bawerk. Ông cho rằng là tỉ lệ lãi suất và lợi nhuận được xác định bởi hai yếu tố là cung và cầu trên thị trường và sự ưa thích về thời gian.
Học thuyết của Bohm-Bawerk là sự đáp trả với học thuyết giá trị lao động và quan điểm về tư bản của Karl Marx. Học thuyết của Bohm-Bawerk thách thức sự đúng đắn của học thuyết giá trị lao động trên khía cạnh chuyển đổi giá trị hàng hóa, mà theo Marx là có hai giá trị.
Bohm-Bawerk lập luận rằng các nhà tư bản không hề bóc lột công nhân; họ tạo điều kiện cho công nhân bằng cách cung cấp thu nhập trước so với sản lượng và doanh số mà các công nhân sẽ giúp nhà tư bản tạo ra. Học thuyết của Bohm-Bawerk cân bằng sự tập trung về vốn với mức độ tạo ra các tài sản vốn ban đầu của tiến trình sản xuất.
Lạm phát
Mises tin rằng giá cả và lương sẽ tăng không tránh khỏi khi lượng tiền và tín dụng từ ngân hàng tăng lên. Do đó ông sử dụng từ "lạm phát" để chỉ sự gia tăng quá mức của cung tiền, chứ không phải theo nghĩa hiểu hiện giờ. Theo quan điểm của Mises, lạm phát là kết quả của các chính sách từ chính phủ hoặc ngân hàng trung ương dẫn tới sự gia tăng cung tiền.
Tiếp theo Mises, trường phái Áo ngày nay cho rằng đặc điểm ngữ nghĩa của lập luận từ Mises là rất quan trọng trong cuộc trao đổi hiện giờ về lạm phát giá cả, và lạm phát giá cả chỉ có thể được ngăn chặn bởi kiểm soát chặt cung tiền.
Chu kì kinh doanh
Học thuyết của trường phái Áo về chu kì kinh doanh tập trung vào chu kì tín dụng và nguyên nhân của chu kì kinh doanh. Được làm rõ thêm bởi Hayek và những người khác, học thuyết chu kì kinh doanh bắt đầu bởi von Mises, người tin rằng sự mở rộng cung tiền, với lãi suất thấp nhân tạo, sẽ dẫn tới sự phân bổ sai nguồn vốn từ các doanh nghiệp.
Nhà kinh tế Áo Murray Rothbard, viết "học thuyết của Mises cho thấy sự hoạt động toàn diện của chu kì tăng trưởng-suy thoái: bơm tín dụng ngân hàng gây ra lãi suất, do chính phủ bắt đầu; sự tăng trưởng do đầu tư sai lầm bởi lạm phát phớt lờ các tín hiệu của thị trường tự do;
Kết thúc của lạm phát cho thấy những đầu tư sai lầm này; và cuối cùng, suy thoái như là một cách sửa chữa của thị trường tự do với những lãng phí và hỗn loạn của tăng trưởng trước đó". Rothbard cũng cho rằng học thuyết của Mises là một trong số ít học thuyết tích hợp cả kinh tế học vi mô và vĩ mô, do đó ủng hộ những học thuyết Áo liên quan tới giá cả và hệ thống tư bản.
(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)