Trợ giá nhiên liệu hóa thạch (Fossil fuel subsidies) là gì? Mục tiêu và hạn chế
Mục Lục
Trợ giá nhiên liệu hóa thạch
Trợ giá nhiên liệu hóa thạch trong tiếng Anh được gọi là Fossil fuel subsidies.
Trợ giá nhiên liệu hóa thạch được định nghĩa là bất kì can thiệp nào của chính phủ làm giảm giá nhiên liệu hoá thạch xuống dưới mức thực tế khi không có can thiệp đó.
Nội dung
Trợ giá nhiên liệu hoá thạch có thể được thực hiện trong khâu sản xuất và khâu tiêu thụ.
- Trợ giá tiêu thụ có thể bao gồm các khoản trợ giá trực tiếp cho các sản phẩm xăng, dầu và điện; các biện pháp kiểm soát giá và miễn giảm thuế; các quĩ bình ổn giá; cũng như ưu đãi của Nhà nước về kết cấu hạ tầng cung cấp năng lượng.
- Trợ giá sản xuất có thể bao gồm miễn giảm thuế cho việc thăm dò; hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển trong khai thác nhiên liệu hóa thạch; tiếp cận ưu đãi các nguồn tài chính và các nguồn lực khác; các biện pháp kiểm soát giá; hay hạn chế trách nhiệm pháp lí đối với các loại hình rủi ro nhất định.
Hiện trạng ở Việt Nam
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), hàng năm Việt Nam trợ cấp cho nhiên liệu hoá thạch từ 1,2 tỉ đô la Mỹ đến 4,49 tỉ đô la Mỹ trong giai đoạn 2007-2012. Con số này tương đương với hỗ trợ hơn 800.000 đồng/nguời trong năm 2012.
Các khoản trợ giá nhiên liệu hoá thạch phổ biến ở Việt Nam là trợ giá gián tiếp, hỗ trợ và ưu tiên cho các nhà sản xuất và phân phối năng lượng, chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước.
Các hình thức trợ giá bao gồm: các biện pháp kiểm soát về giá, trợ giá nguyên liệu đầu vào, các ưu đãi về thuế, vay vốn đầu tư, kết cấu hạ tầng, hay việc thực thi qui định bảo vệ môi trường và xã hội yếu kém...
Bên cạnh đó là một phần nhỏ trợ giá trực tiếp tiền điện cho hộ nghèo và hộ chính sách.
Mục tiêu
Mục tiêu cơ bản của trợ giá năng lượng là:
- Đảm bảo người nghèo, người có thu nhập dưới chuẩn được tiếp cận với năng lượng và nhiên liệu;
- Bảo vệ người tiêu dùng khỏi tác động từ biến động giá cả thế giới;
- Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế qua việc phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng.
Hạn chế
Tuy nhiên trợ giá năng lượng hoá thạch đang tạo ra nhiều tác động không mong muốn đi ngược lại các mục tiêu trên:
- Trợ giá có hỗ trợ người nghèo?
Trên thực tế, trợ giá năng lượng hoá thạch thường có lợi hơn cho người giàu và nhóm người có thu nhập cao.
Lí do là vì phần lớn mọi người, không phân biệt thu nhập và tình hình kinh tế, nhận lượng tiền trợ giá như nhau cho mỗi đơn vị năng lượng họ sử dụng, mà người giàu thì thường có nhu cầu sử dụng điện và xăng dầu cao hơn người nghèo.
- Trợ giá có bảo vệ người tiêu dùng về mặt kinh tế, xã hội và môi trường?
Trợ giá năng lượng hoá thạch tạo nên "bình ổn ảo": Quĩ bình ổn giá xăng dầu ở Việt Nam là một hình thức "trả trước" cho phần tăng giá xăng trong tương lai, điều này không những không đem lại lợi ích gì cho người tiêu dùng mà còn góp phần gia tăng lạm phát.
- Trợ giá có thúc đẩy tăng trưởng kinh tế qua việc phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng?
Trợ giá năng lượng hoá thạch đã tạo ra một giá năng lượng "ảo", thấp hơn so với giá thành sản xuất thực tế.
Điều này vô tình khuyến khích việc sử dụng năng lượng không hiệu quả, làm gia tăng nhu cầu năng lượng (bao gồm cả việc nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch) và đe dọa an ninh năng lượng quốc gia.
Trợ giá năng lượng hoá thạch dẫn tới tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa khai thác và sử dụng năng lượng có nguồn gốc hóa thạch so với năng lượng tái tạo.
Trợ giá năng lượng hoá thạch tạo nên gánh nặng cho ngân sách nhà nước, nguồn thu nhà nước thấp đi (giá thấp, không có lợi nhuận) và mức nợ gia tăng, nguy cơ tham nhũng và lạm dụng quĩ trợ giá.
Như vậy, trợ giá có vẻ đem lại lợi ích trước mắt cho người tiêu dùng, nhưng về lâu dài thì trợ giá năng lượng hoá thạch tỏ ra không bền vững cả về mặt kinh tế, xã hội và môi trường.
(Tài liệu tham khảo: Chúng ta hiểu gì về năng lượng và trợ giá năng lượng hoá thạch, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, 2014)