Triết lí quản lí (Management Philosophy) là gì? Biểu thức triết lí
Mục Lục
Triết lí quản lí
Triết lí quản lí trong tiếng Anh được gọi là Management Philosophy.
Xét từ góc độ đạo đức, triết lí quản lí là triết lí đạo đức vận dụng trong quản lí một tổ chức/doanh nghiệp và được thực hiện bởi các thành viên tổ chức nhằm thực thi triết lí kinh doanh bằng một phong cách ứng xử điển hình cho các giá trị đã được xác định của tổ chức/doanh nghiệp.
Triết lí quản lí là triết lí đạo đức của một tổ chức/doanh nghiệp trong mối quan hệ với bên ngoài và được thể hiện qua các thành viên bên trong tổ chức/doanh nghiệp.
Quản lí gắn với việc điều hành một tổ chức và khích lệ, động viên mọi thành viên tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trong sự phối hợp với các thành viên khác để đạt được mục tiêu chung.
Như vậy, quản lí bao gồm những công việc như xác định mục tiêu, xây dựng một cơ chế phối hợp hành động thống nhất, hướng dẫn và tạo động lực cho các thành viên tổ chức/doanh nghiệp để phối hợp và thực hiện mục tiêu đã định.
Biểu thức triết lí
Có thể biểu diễn khái niệm triết lí quản lí bằng biểu thức sau:
Triết lí quản lí = (Giá trị cốt lõi + Quy tắc ứng xử)*Thành viên tổ chức
Triết lí quản lí thể hiện cách nhìn của tổ chức/doanh nghiệp về thế giới, tự nhiên và xã hội, theo con mắt của những người quản lí và nhân viên (những người hữu quan bên trong).
Câu hỏi thích hợp về triết lí quản lí là: Vì những người hữu quan, chúng ta hành động thế nào cho đúng? Cho hay?
Thuật ngữ liên quan
- Triết lí kinh doanh là triết lí đạo đức vận dụng trong hoạt động kinh doanh để xây dựng và phát triển mối quan hệ kinh doanh tốt đẹp với các đối tượng hữu quan.
- Triết lí đạo đức là những nguyên tắc, qui tắc căn bản con người sử dụng để xác định thế nào là đúng thế nào là sai và để hướng dẫn con người trong việc xác định cách thức giải quyết các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống con người trong mối quan hệ với tự nhiên và với các thành viên khác trong xã hội..
- Những người hữu quan (stakeholders), còn gọi là các đối tượng hữu quan, là những người chịu ảnh hưởng, trực tiếp hoặc gián tiếp, bởi một quyết định/hoạt động sản xuất kinh doanh của một doanh nghiệp.
Hay là những người có quan tâm hoặc ràng buộc về giá trị, vật chất/tinh thần, với doanh nghiệp, với hoạt động hay quá trình thực hiện mục tiêu của doanh nghiệp.
(Tài liệu tham khảo: Văn hoá Doanh nghiệp, PGS. TS. Nguyễn Mạnh Quân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2012)