1. Tài chính - Ngân hàng

Tổn thất (Losses) trong bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu là gì? Phân loại

Mục Lục

Tổn thất trong bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu

Tổn thất trong tiếng Anh được gọi là losses.

Tổn thất trong bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu là những thiệt hại, hư hỏng của hàng hóa được bảo hiểm do rủi ro gây ra.

Phân loại

Căn cứ vào qui mô, mức độ tổn thất có thể chia ra tổn thất bộ phận và tổn thất toàn bộ.

- Tổn thất bộ phận là một phần của đối tượng được bảo hiểm theo một hợp đồng bảo hiểm bị mất mát, hư hỏng, thiệt hại. tổn thất bộ phận có thể là tổn thất về số lượng, trọng lượng, thể tích, phẩm chất hoặc giá trị.

Ví dụ: Xi măng bị mất 2 bao (100kg), gạo bị ướt giảm giá trị thương mại 20%, chất lỏng (xăng, dầu) rò rỉ, bay hơi...

- Tổn thất toàn bộ là toàn bộ đối tượng được bảo hiểm theo một hợp đồng bảo hiểm bị hư hỏng, mất mát, thiệt hại.

Có hai loại tổn thất toàn bộ là tổn thất toàn bộ thực tế và tổn thất toàn bộ ước tính:

+ Tổn thất toàn bộ thực tế là toàn bộ đối tượng được bảo hiểm theo một hợp đồng bảo hiểm bị hư hỏng, mất mát, thiệt hại hoặc bị biến chất, biến dạng không còn như lúc mới được bảo hiểm hay bị mất đi, bị tước đoạt không lấy lại được nữa. Chỉ có "tổn thất toàn bộ thực tế" trong 4 trường hợp sau:

Hàng hoá bị huỷ hoại hoàn toàn

Hàng hoá bị tước đoạt không lấy lại được

Hàng hoá không còn là vật thể bảo hiểm

Hàng hoá ở trên tàu mà tàu được tuyên bố mất tích

+ Tổn thất toàn bộ ước tính là trường hợp đối tượng được bảo hiểm bị thiệt hại, mất mát chưa tới mức độ tổn thất toàn bộ thực tế, nhưng không thể tránh khỏi tổn thất toàn bộ thực tế; hoặc nếu bỏ thêm chi phí ra cứu chữa thì chi phí cứu chữa có thể bằng hoặc lớn hơn giá trị bảo hiểm.

Ví dụ: Một tàu chở sắt thép xây dựng bị đắm trên hành trình do gặp bão. Nếu tiến hành trục vớt thì chi phí trục vớt có thể bằng hoặc lớn hơn giá trị ban đầu của lô hàng.

Nếu phân loại theo trách nhiệm bảo hiểm thì tổn thất bao gồm tổn thất riêng và tổn thất chung.

- Tổn thất riêng là tổn thất chỉ gây ra thiệt hại cho một hoặc một số quyền lợi của các chủ hàng và chủ tàu trên một con tàu. Như vậy, tổn thất riêng chỉ liên quan đến từng quyền lợi riêng biệt. 

Trong tổn thất riêng, ngoài thiệt hại vật chất, còn phát sinh các chi phí liên quan đến tổn thất riêng nhằm hạn chế những hư hại khi tổn thất xảy ra, gọi là tổn thất chi phí riêng.

Tổn thất chi phí riêng là những chi phí bảo quản hàng hoá để giảm bớt hư hại hoặc để khỏi hư hại thêm, bao gồm chi phí xếp, dỡ, gửi hàng, đóng gói lại, thay thế bao bì... ở bến khởi hành và dọc đường. 

Có tổn thất chi phí riêng sẽ làm hạn chế và giảm bớt tổn thất riêng.Tổn thất riêng có thể là tổn thất bộ phận hoặc tổn thất toàn bộ.

- Tổn thất chung là những hi sinh hay chi phí đặc biệt được tiến hành một cách cố ý và hợp lí nhằm mục đích cứu tàu và hàng hoá chở trên tàu thoát khỏi một sự nguy hiểm chung, thực sự đối với chúng.

Theo qui tắc York Antwerp 1994, có hành động tổn thất chung khi và chỉ khi có sự hi sinh hoặc chi phí bất thường được tiến hành một cách cố ý và hợp lí vì an toàn chung nhằm cứu các tài sản khỏi một tai hoạ trong một hành trình chung trên biển.

Các thiệt hại, chi phí hoặc hành động được coi là tổn thất chung khi có các đặc trưng sau:

+ Hành động tổn thất chung phải là hành động tự nguyện, hữu ý của những người trên tàu theo lệnh của thuyền trưởng hoặc người thay mặt thuyền trưởng

+ Hi sinh hoặc chi phí phải đặc biệt, bất thường

+ Hi sinh, hoặc chi phí phải hợp lí và vì an toàn chung cho tất cả các quyền lợi trong hành trình

+ Nguy cơ đe doạ toàn bộ hành trình phải nghiêm trọng và thực tế

+ Mất mát, thiệt hại hoặc chi phí phải là hậu quả trực tiếp của hành động tổn thất chung

+ Tổn thất chung phải xảy ra trên biển

Tổn thất chung bao gồm hai bộ phận chủ yếu đó là hi sinh tổn thất chung và chi phí tổn thất chung

+ Hi sinh tổn thất chung là những thiệt hại hoặc chi phí do hậu quả trực tiếp của một hành động tổn thất chung. 

Ví dụ: việc vứt bỏ bớt hàng vì lí do an toàn của tàu, đốt vật phẩm trên tàu để thay nhiên liệu...

+ Chi phí tổn thất chung là những chi phí phải trả cho người thứ ba trong việc cứu tàu và hàng thoát nạn hoặc chi phí làm cho tàu tiếp tục hành trình.

Chi phí tổn thất chung bao gồm chi phí cứu nạn; chi phí làm nổi tàu, chi phí thuê kéo, lai, dắt tàu khi bị nạn; chi phí tại cảng lánh nạn như: chi phí ra vào cảng, chi phí xếp dỡ, nhiên liệu....

Vì an toàn chung hoặc để sửa chữa tạm thời; chi phí tái xếp hàng, lưu kho hàng hoá; tiền lương cho thuyền trưởng, thuyền viên; lương thực,thực phẩm, nhiên liệu tiêu thụ tại cảng lánh nạn.

(Tài liệu tham khảo: Bảo hiểm thương mại, Trung tâm đào tạo từ xa, ĐH Kinh tế Quốc dân)

Thuật ngữ khác