Cơ chế tự ổn định (Automatic stabilizers) là gì? Các cơ chế tự ổn định ở các nước phát triển
Mục Lục
Cơ chế tự ổn định (Automatic stabilizers)
Cơ chế tự ổn định trong tiếng Anh là Automatic stabilizers.
Cơ chế tự ổn định (Automatic stabilizers) là các yếu tố được cài đặt sẵn vào nền kinh tế và tự động làm giảm hay kiềm chế bớt qui mô biến động của hoạt động kinh tế trong chu kì kinh doanh.
Các cơ chế tự ổn định ở các nước phát triển
Có 3 cơ chế tự ổn định chủ yếu ở các nước phát triển:
1. Thuế thu nhập cá nhân: Khi hoạt động kinh tế mở rộng, sản lượng của nền kinh tế tăng và thu nhập của mọi người tăng, mức thu nhập cao hơn làm cho mọi người phải đóng thuế nhiều hơn và thu nhập sử dụng (tức thu nhập sau thuế) của họ thấp hơn so với trường hợp không có thuế thu nhập cá nhân.
Mức thu nhập sử dụng thấp hơn làm cho nhu cầu tiêu dùng thấp hơn, dẫn tới tổng cầu thấp hơn. Mức tổng cầu thấp hơn làm cho sản lượng thấp hơn so với trường hợp không có thuế thu nhập cá nhân.
Điều ngược lại sẽ xảy ra khi hoạt động kinh tế suy giảm. Như vậy, thuế thu nhập cá nhân có tác dụng kiềm chế bớt sự gia tăng (hoặc giảm sút) của tổng cầu và hoạt động kinh tế.
2. Trợ cấp thất nghiệp: Khi hoạt động kinh tế thu hẹp, thất nghiệp tăng và trợ cấp thất nghiệp cũng tăng, do đó thu nhập sử dụng giảm ít hơn trường hợp không có trợ cấp thất nghiệp; như vậy trợ cấp thất nghiệp kiềm chế bớt sự suy giảm của tổng cầu và sản lượng. Điều ngược lại sẽ xảy ra khi hoạt động kinh tế mở rộng (trợ cấp thất nghiệp giảm).
3. Trợ cấp xã hội: Khi nền kinh tế bị suy thoái trong một thời gian dài, nhiều người không được nhận trợ cấp thất nghiệp nữa. Nếu không có trợ cấp xã hội, nhu cầu tiêu dùng của những người này giảm, làm cho tổng cầu giảm.
Sự suy giảm tổng cầu đến lượt nó lại làm cho sản lượng giảm và các doanh nghiệp sa thải bớt công nhân (do không bán được hàng). Vòng xoáy đi xuống "tổng cầu giảm – sản lượng giảm – thất nghiệp tăng – tổng cầu giảm - ..." sẽ bị chặn lại nếu có trợ cấp xã hội: tổng cầu và sản lượng không thể giảm xuống dưới một giới hạn nhất định do trợ cấp xã hội đặt ra.
(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)