Tổ chức thực thi chính sách (Organization of policy implementation) là gì? Ý nghĩa
Mục Lục
Tổ chức thực thi chính sách (Organization of policy implementation)
Tổ chức thực thi chính sách trong tiếng Anh là Organization of policy implementation.
Tổ chức thực thi chính sách (Organization of policy implementation) là việc tổ chức thực thi chính sách của toàn bộ quá trình chuyển hoá ý chỉ của chủ thể trong chính sách thành hiện thực với các đối tượng quản lí nhằm đạt được mục tiêu định hướng của nhà nước.
Vị trí
Tổ chức thực thi chính sách là một khâu hợp thành qui trình chính sách, nếu thiếu vắng giai đoạn này thì chính sách không thể tồn tại. Tổ chức thực thi chính sách là trung tâm kết nối các giai đoạn trong qui trình chính sách thành một hệ thống. Trên thực tế, giai đoạn thực thi chính sách được coi là giai đoạn tổng hợp của cả 3 giai đoạn của qui trình chính sách: Hoạch định chính sách, thực thi chính sách, và đánh giá chính sách.
Nhiều chính sách do các cơ quan trung ương đề ra nhưng khi chính sách về đến địa phương, người ta phải tiến hành nghiên cứu, áp dụng phù hợp với thực tế của địa phương. Điều đó có nghĩa là giai đoạn thực thi chính sách lại bao hàm cả nội dung hoạch định chính sách.
Hơn nữa, trong quá trình thực hiện chính sách người ta phải tiến hành đánh giá chính sách để có thể điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với mục tiêu. Vì vậy, giai đoạn thực thi chính sách lại bao gồm cả những công việc về đánh giá chính sách.
Ý nghĩa của việc thực thi chính sách
- Tổ chức thực thi chính sách là giai đoạn biến ý đồ chính sách thành hiện thực.
Nếu chính sách chỉ được hoạch định mà không được thực thi thì sẽ không có tác dụng trong thực tế. Ví dụ, nếu nhà nước muốn áp dụng một loại thuế để tăng thu ngân sách, song lại không ban hành các văn bản pháp luật và yêu cầu thực hiện thì chính sách thuế đó sẽ không thể tạo ra bất kì nguồn thu nào.
Để quản lí điều hành, nhà nước có thái độ ứng xử một cách thích hợp với mỗi vấn đề phát sinh thuộc các thành phần kinh tế khác nhau. Tuỳ theo yêu cầu quản lí phát triển của nền kinh tế ở từng thời kì, nhà nước chủ động ban hành các chính sách để thể hiện ý chí trong quan hệ với các thành phần kinh tế theo định hướng.
- Tổ chức thực thi chính sách để từng bước thực hiện mục tiêu chính sách và mục tiêu chung.
Mục tiêu chính sách có liên quan đến nhiều hoạt động chính trị, kinh tế xã hội theo những cấp độ khác nhau. Tuy nhiên, trong cùng một thời điểm không thể giải quyết tất cả các vấn đề liên quan và cũng không thể bỏ qua giai đoạn của mỗi quá trình.
Ví dụ: Nhằm phát triển Tây Nguyên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành rất nhiều chính sách, trường đó có chính sách phát triển kinh tế. Lấy kinh tế thúc đẩy các hoạt động chính trị, văn hoá, xã hội hướng theo mục tiêu phát triển toàn diện.
- Thực thi chính sách là để khẳng định tính đúng đắn của chính sách.
Chính sách đứng đắn là chính sách đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của một chính sách tốt. Tuy nhiên, một chính sách được coi là tốt thì giá trị của nó cũng chỉ mới dừng lại ở phương điện nguyện vọng, mong muốn mà thôi. Một khi chính sách được triển khai thực hiện rộng rãi trong đời sống xã hội, thì tính đúng đắn của nó mới được khẳng định ở mức cao hơn, tức là được cả xã hội thừa nhận, nhất là các đối tượng thụ hưởng chính sách.
- Qua thực thi giúp cho chính sách ngày càng hoàn chỉnh.
Chính sách được hoạch định bởi tập thể nên không thể tránh khỏi sự ảnh hưởng của ý chí chủ quan. Bên cạnh đó, các quá trình kinh tế xã hội lại thường xuyên vận động, phát triển trong khi chính sách được hoạch định lại dựa chủ yếu vào thực trạng của môi trường sống nên có khoảng cách khá lớn về thời gian kể từ khi hoạch định cho đến lúc tổ chức thực thi.
Vì hai nguyên do trên nên giữa chính sách và thực tế xã hội trong giai đoạn tổ chức thực thi chắc chắn có khoảng cách cần được lấp đầy bằng những điều chỉnh về chính sách hay các biện pháp tổ chức thực thi chính sách. Đó chính là hoạt động hoàn chỉnh những chính sách đang có và góp phần rút kinh nghiệm cho việc hoạch định các chính sách kì sau.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Chính sách công, NXB Tài chính)