Tổ chức Hàng hải Quốc tế (International Maritime Organization - IMO) là gì? Mục tiêu hoạt động
Mục Lục
Tổ chức Hàng hải Quốc tế
Tổ chức Hàng hải Quốc tế trong tiếng Anh là International Maritime Organization; viết tắt là IMO.
Tổ chức Hàng hải Quốc tế là tổ chức quốc tế liên chính phủ được thành lập trên cơ sở của Công ước năm 1948 (có hiệu lực từ năm 1958) thực hiện chức năng thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hàng hải. Tổ chức hàng hải quốc tế lúc đầu được gọi là Tổ chức tư vấn về hàng hải giữa các Chính phủ (IMCO). Đến tháng 5/1982, tổ chức này chính thức được đổi tên thành Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO).
Tôn chỉ mục đích
- Mục đích chủ yếu của IMO là thúc đẩy sự hợp tác giữa các Chính phủ trong lĩnh vực kĩ thuật và các lĩnh vực khác của giao thông đường biển tiến tới thống nhất ở mức cao nhất các tiêu chuẩn về an toàn hàng hải và giao thông trên biển.
- IMO có trách nhiệm đặc biệt trong việc bảo vệ cuộc sống biển, và môi trường biển thông qua việc ngăn chặn ô nhiễm biển từ các phương tiện hàng hải.
- IMO còn quan tâm đến các vấn đề pháp lí và hành chính liên quan đến giao thông biển quốc tế và vấn đề đơn giản hoá các thủ tục thương thuyền quốc tế.
- Một trong những chức năng quan trọng nữa của IMO là giúp đỡ kĩ thuật và đào tạo các thuyền viên, các chủ tàu, các thợ máy tàu cung cấp các thông tin chuyên ngành cho các nước thành viên và đặc biệt là các nước đang phát triển.
- Khuyến khích việc bãi bỏ những biện pháp phân biệt đối xử và những hạn chế không cần thiết của các Chính phủ đối với hàng hải quốc tế nhằm đưa hàng hải vào phục vụ thương mại quốc tế, giúp đỡ và khuyến khích các Chính phủ củng cố và hiện đại hoá ngành hàng hải thương mại quốc gia.
Mục tiêu hoạt động chính của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO)
Những mục tiêu hoạt động chính của IMO trong những năm 2000 (theo Nghị quyết A.900(21) ngày 16/11/1999 của Đại hội đồng IMO) là:
- Tiến hành các biện pháp thực hiện chính sách tích cực nhằm xác định và hạn chế tác hại của các xu hướng có tác động xấu đến an toàn hàng hải
- Hướng trọng tâm vào con người
- Đảm bảo sự thực hiện thống nhất các tiêu chuẩn và qui định hiện có của IMO
- Đảm bảo sự chấp nhận rộng rãi các tiêu chuẩn
- Phát triển nhận thức về môi trường và an toàn
- Tránh xây dựng quá nhiều qui định
- Củng cố các chương trình hợp tác kĩ thuật của IMO
- Thúc đẩy các nỗ lực ngăn chặn và trấn áp các hành động vi phạm pháp luật đe doạ an toàn của tàu thuyền, nhân viên trên tàu và môi trường.
Việt Nam gia nhập Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) ngày 28/5/1984. Hiện nay ta đã chính thức tham 15 Công ước và nghị định thư của IMO (tổng số có khoảng 40 Công ước và Nghị định thư).
IMO đã giúp ta đào tạo một số cán bộ kĩ thuật hàng hải, một số kĩ sư máy tàu, sửa chữa tàu qua việc tham gia các hội nghị, hội thảo quốc tế và trong nước cũng như các lớp đào tạo ngắn và dài hạn do IMO tổ chức.
(Tài liệu tham khảo: mofahcm.gov.vn)