Tính thời vụ (Seasonality) trong kinh tế học là gì? Ví dụ về tính thời vụ
Mục Lục
Tính thời vụ
Tính thời vụ hay còn gọi là tính mùa vụ trong tiếng Anh là Seasonality.
Tính thời vụ đề cập đến những thay đổi có thể dự đoán được đối với một doanh nghiệp hoặc một nền kinh tế xảy ra trong khoảng thời gian một năm và dựa theo mùa, bao gồm cả mùa trong năm hay mùa trong thương mại.
Bất kì một biến động hay khuôn mẫu xảy ra thường xuyên hay tái diễn trong khoảng thời gian một năm được coi là có tính thời vụ.
"Thời vụ" có thể là một mùa trong năm, như mùa hè hoặc mùa đông, hoặc có thể đề cập đến thời vụ thương mại như mùa nghỉ lễ.
Hiệu ứng thời vụ khác với hiệu ứng chu kì, vì hiệu ứng thời vụ được quan sát trong vòng một năm dương lịch, trong khi hiệu ứng chu kì ví dụ như doanh số tăng do tỉ lệ thất nghiệp thấp, có thể kéo dài hoặc diễn ra trong thời gian ngắn hơn một năm.
Các công ty hiểu được tính thời vụ trong ngành nghề của họ có thể dự đoán và căn chỉnh thời gian cho hàng tồn kho, nhân sự và các quyết định khác liên quan tới thời vụ của các hoạt động liên quan, nhờ đó giảm chi phí và tăng doanh thu.
Tính thời vụ cần phải được xem xét nghiêm túc khi theo dõi dữ liệu kinh tế. Tăng trưởng kinh tế có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố thời vụ khác nhau, ví dụ như thời tiết và ngày nghỉ lễ. Các nhà kinh tế học có thể thu được cái nhìn tốt hơn về cách nền kinh tế vận hành khi điều chỉnh sự phân tích dựa trên những yếu tố này.
Ví dụ, khoảng hai phần ba tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Mỹ được tạo thành từ chi tiêu của người tiêu dùng, đây là một tiêu chuẩn đo lường có tính thời vụ. Người tiêu dùng càng tiêu nhiều thì nền kinh tế càng phát triển.
Ngược lại, khi họ thắt chặt chi tiêu, nền kinh tế sẽ thu hẹp. Nếu tính thời vụ này không được tính đến, các nhà kinh tế sẽ không hiểu được rõ ràng cách nền kinh tế thực sự chuyển động.
Tính thời vụ cũng ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp, được gọi là các ngành công nghiệp theo mùa mà thường kiếm được phần lớn tiền trong những thời kì ngắn trong năm, ví dụ như ngành du lịch thu được nhiều tiền nhất trong những dịp nghỉ lễ.
Ví dụ về tính thời vụ
Tính thời vụ có thể được quan sát trong rất nhiều trường hợp khác nhau.
Ví dụ, nếu một người sống ở vùng khí hậu với mùa đông lạnh và mùa hè ấm áp, chi phí sưởi ấm của anh ta thể tăng vào mùa đông và giảm vào mùa hè. Anh ta có thể kì vọng hợp lí rằng tính thời vụ của chi phí sưởi ấm sẽ lặp lại hàng năm.
Tương tự, một công ty bán các sản phẩm chống nắng sẽ có doanh số tăng vọt vào mùa hè, khi nhu cầu về sản phẩm của họ tăng lên. Ngược lại, doanh số công ty có thể sẽ sụt giảm đáng kể trong mùa đông.
Một lĩnh vực khác bị ảnh hưởng bởi tính thời vụ là doanh số bán lẻ. Doanh số bán lẻ đo lường chi tiêu và nhu cầu của người tiêu dùng và được báo cáo hàng tháng bởi Cục điều tra dân số Mỹ. Dữ liệu này dao động vào những thời điểm nhất định trong năm, chủ yếu trong mùa mua sắm.
Khoảng thời gian này rơi vào quí 4 trong năm, giữa tháng 10 và tháng 12. Nhiều nhà bán lẻ có doanh số bán lẻ theo mùa, khi chi tiêu của người tiêu dùng tăng vọt trong mùa nghỉ lễ.
(Theo investopedia)