Tín hiệu mua (Buy Signal) là gì? Một số tín hiệu mua phổ biến
Mục Lục
Tín hiệu mua (Buy Signal)
Tín hiệu mua trong tiếng Anh là Buy Signal.
Tín hiệu mua là một sự kiện hoặc một điều kiện để nhà giao dịch (trader) và nhà đầu tư quyết định vào lệnh mua một khoản đầu tư.
Tín hiệu mua là kết quả của việc quan sát biểu đồ kĩ thuật hoặc tính toán và tự động hóa bởi hệ thống giao dịch.
Hiểu về tín hiệu mua
- Các nhà đầu tư thuận xu thế có thể so sánh tương quan sức mạnh của một số phương án đầu tư trong vòng vài tháng trở lại đây và chọn ra khoản đầu tư tốt nhất để thêm vào danh mục đầu tư trong vài tháng tới.
- Mặt khác, các nhà giao dịch ngắn hạn có thể sử dụng công cụ như đường trung bình trượt (MA) hoặc các chỉ báo kĩ thuật khác để quyết định có tham gia vào vị thế hay không.
- Tín hiệu mua được sử dụng bởi cả nhà giao dịch ngắn hạn và nhà đầu tư dài hạn. Các nhà đầu tư trái ngược có thể coi tình trạng bán tháo một lượng lớn cổ phiếu là tín hiệu mua vì họ cho rằng thị trường đang phản ứng thái quá. Trái lại, các nhà đầu tư giá trị coi giá cổ phiếu giao dịch dưới giá trị tài sản ròng trên một cổ phần (NAV/share) là tín hiệu mua.
- Mặt khác, các nhà đầu tư sử dụng hệ thống giao dịch tự động tạo ra các tín hiệu mua và bán dựa trên các qui luật tự đặt ra.
Một số tín hiệu mua phổ biến
(1) Các mẫu biểu đồ
Nhiều mẫu biểu đồ tạo ra tín hiệu mua khi giá vượt quá một mức nhất định. Ví dụ, mô hình tam giác tăng dần tạo ra tín hiệu mua khi giá vượt ra khỏi mức kháng cự của đường xu hướng trên.
(2) Các chỉ báo kĩ thuật
Nhiều chỉ báo kĩ thuật tạo ra tín hiệu mua khi đáp ứng một số điều kiện nhất định. Ví dụ: chỉ số sức mạnh tương đối (RSI) tạo ra tín hiệu mua khi nó từ dưới vùng quá bán (30.0) đâm lên.
(3) Giá trị nội tại
Nhiều nhà đầu tư giá trị tính toán giá trị nội tại bằng phân tích dòng tiền chiết khấu, giá trị tài sản ròng hoặc các kĩ thuật khác. Khi giá dịch chuyển đáng kể dưới một giá trị lí thuyết mà họ tin tưởng, điều này trở thành tín hiệu mua cho các nhà đầu tư.
Lưu ý:
Mặc dù nhiều chỉ báo kĩ thuật tạo ra tín hiệu mua, các nhà phát triển của các chỉ báo này cho rằng mọi người không nên sử dụng một cách mù quáng các tín hiệu mua dựa trên chỉ báo để tự động đặt lệnh mua.
Nhà đầu tư có thể xác nhận thêm từ các nguồn khác nhau, bao gồm dữ liệu kĩ thuật và cơ bản, để chắn chắn rằng đó là điều kiện thuận lợi để đầu tư hoặc giao dịch.
Ví dụ
Biểu đồ dưới đây cho thấy một ví dụ về tín hiệu mua được tạo ra từ sự giao nhau giữa hai đường trung bình trượt trong SPDR S&P 500 ETF (NYSE ARCA: SPY).
Trong biểu đồ trên, tín hiệu mua được tạo khi đường trung bình trượt (đường trung bình động) 50 ngày cắt lên trên đường trung bình trượt (đường trung bình động) 200 ngày. Đây là một ví dụ về tín hiệu Golden Cross (tạm dịch: chữ thập vàng).
(Tài liệu tham khảo: Investopedia)