Thuyết phục tinh thần (Moral Suasion) trong kinh tế là gì?
Mục Lục
Thuyết phục tinh thần
Thuyết phục tinh thần trong tiếng Anh là Moral Suasion.
Thuyết phục tinh thần là hành động thuyết phục một người hoặc một nhóm hành động thông qua các lời kêu gọi, bài phát biểu, bài viết, đe dọa ngầm hoặc công khai đe dọa, trái ngược với việc ép buộc hoặc cưỡng ép bằng vũ lực.
Trong kinh tế, thuật ngữ này được sử dụng để chỉ một biện pháp của các ngân hàng trung ương.
Về nguyên tắc, bất kì ai cũng có thể sử dụng thuyết phục tinh thần để cố gắng kêu gọi các bên khác thay đổi thái độ hoặc hành vi của họ, nhưng trong bối cảnh kinh tế, nó thường đề cập đến việc các ngân hàng trung ương sử dụng những chiến thuật thuyết phục trước công chúng hoặc trong các buổi họp kín; và thường là để đề xướng việc tiến hành thực hiện một chính sách cụ thể.
Ở Mỹ, phương pháp này còn được gọi là "dùng xương hàm" (jawboning) vì chủ yếu sử dụng lời nói, trái ngược với các phương pháp mạnh mẽ hơn mà Cục Dự trữ Liên bang và các nhà hoạch định chính sách khác có thể thực hiện.
Sử dụng thuyết phục tinh thần trong thực tế
Sự chỉ trích về trạng thái nền kinh tế thịnh hành năm 1996 là "hưng phấn phi lí trí" (irrational exuberance) của Alan Greenspan - Cựu thống đốc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) được coi là một ví dụ kinh điển về việc sử dụng thuyết phục tinh thần của Fed.
Nhưng khi giá tài sản tài chính sụp đổ vào năm 2000, nhiều người đã chỉ trích Greenspan cho rằng mọi điều ông làm là quá ít và không đủ để kiểm soát sự hưng phấn trong những năm 1990 - dù là với việc điều chỉnh lãi suất, yêu cầu cho vay kí quĩ hoặc thuyết phục tinh thần.
Trong những năm gần đây, Fed đã cố gắng để tiếp xúc nhiều hơn với công chúng, đây có thể được coi là một nỗ lực nhằm tăng tính minh bạch hoặc để thúc đẩy sức mạnh của thuyết phục tinh thần. Ben Bernanke đã nỗ lực truyền đạt chính sách của Fed rõ ràng hơn so với những Chủ tịch Fed tiền nhiệm và mở ra các cuộc họp báo kể từ năm 2011.
Tăng cường thuyết phục tinh thần có thể là việc cần thiết trong bối cảnh khả năng cắt giảm lãi suất của Fed đã suy giảm - do lãi suất Liên bang Mỹ đã gần bằng 0 từ tháng 12 năm 2008 đến tháng 12 năm 2015.
Do việc sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ truyền thống ngày càng trở nên khó khăn hơn nên mỗi khi có thể, Fed đã cố gắng thuyết phục thị trường về sự sẵn sàng hỗ trợ phục hồi kinh tế bền vững bằng lời nói thay vì hành động.
Chiến thuật thuyết phục tinh thần không chỉ được mỗi mình Mỹ sử dụng. Năm 2012, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu Mario Draghi cho biết Ngân hàng sẽ làm "bất cứ điều gì" để bảo vệ đồng euro.
(Theo investopedia)