Dòng tiền dư thừa (Excess Cash Flow) là gì? Ý nghĩa, hạn chế và ví dụ
Mục Lục
Dòng tiền dư thừa
Dòng tiền dư thừa trong tiếng Anh là Excess Cash Flow.
Dòng tiền dư thừa là một thuật ngữ được sử dụng trong các hợp đồng cho vay hoặc khế ước trái phiếu, nói đến phần dòng tiền của một công ty thường được người cho vay yêu cầu phải trả.
Dòng tiền dư thừa thường là tiền mặt nhận được hoặc được tạo bởi một công ty kích hoạt thanh toán cho người cho vay theo qui định trong hợp đồng tín dụng.
Vì công ty có một khoản vay chưa trả với chủ nợ, nên một số dòng tiền nhất định phải chịu những giới hạn trong việc sử dụng của công ty.
Tính toán Dòng tiền dư thừa
Không có công thức nào được thiết lập để tính toán dòng tiền dư thừa vì mỗi hợp đồng tín dụng có thể có các yêu cầu khác nhau dẫn đến thanh toán cho người cho vay khác nhau.
Tính toán gần đúng dòng tiền dư thừa có thể bắt đầu bằng cách lấy lợi nhuận hoặc thu nhập ròng của công ty, cộng lại với khấu hao và trừ đi đầu tư cho tài sản cố định cần thiết để duy trì hoạt động kinh doanh và chi trả cổ tức.
Nói cách khác, một hợp đồng tín dụng có thể phác thảo lượng dòng tiền dư thừa giúp kích hoạt thanh toán, nhưng cũng cho biết cách sử dụng hoặc chi tiêu tiền mặt.
Người cho vay có thể cho phép sử dụng tiền mặt cho hoạt động kinh doanh, chi trả cổ tức và đầu tư cho tài sản cố định.
Các điều khoản xác định dòng tiền dư thừa và bất kì khoản thanh toán nào thường được đàm phán giữa người vay và người cho vay.
Nếu dòng tiền dư thừa được tạo ra, người cho vay có thể yêu cầu thanh toán bằng 100%, 75% hoặc 50% dòng tiền dư thừa.
Ý nghĩa của Dòng tiền dư thừa
Dòng tiền dư thừa được ghi vào các thỏa thuận cho vay hoặc khế ước trái phiếu để cung cấp thêm bảo đảm rủi ro tín dụng của người cho vay hay nhà đầu tư.
Nếu một sự kiện xảy ra tạo ra dòng tiền dư thừa như trong hợp đồng tín dụng, thì công ty phải thanh toán cho người cho vay. Khoản thanh toán có thể là tỉ lệ phần trăm của dòng tiền dư thừa, thường phụ thuộc vào sự kiện nào tạo ra dòng tiền dư thừa đó.
Người cho vay xác định dòng tiền dư thừa bằng công thức tỉ lệ phần trăm hoặc số tiền lớn hơn và vượt quá thu nhập ròng hoặc lợi nhuận trong kì của công ty.
Tuy nhiên, công thức đó sẽ khác nhau tùy theo người cho vay và những thỏa thuận của người vay khi thương lượng hợp đồng.
Người cho vay muốn áp đặt các hạn chế về cách chi tiêu tiền mặt dư thừa với nỗ lực duy trì kiểm soát dòng tiền của công ty. Nhưng người cho vay không muốn tạo ra nhiều hạn chế đến mức làm tổn hại đến khả năng tài chính của công ty.
Sự kiện kích hoạt thanh toán từ Dòng tiền dư thừa
Nếu một công ty tăng thêm vốn thông qua tài trợ, công ty sẽ có dòng tiền dư thừa và lúc này sẽ được yêu cầu phải trả cho người cho vay số tiền được tạo ra trừ đi các chi phí liên quan đến việc tăng thêm vốn.
Ví dụ, nếu một công ty phát hành cổ phiếu mới hoặc tăng thêm vốn chủ sở hữu, số tiền huy động được sẽ kích hoạt thanh toán cho người cho vay.
Ngoài ra, nếu một khoản nợ do công ty phát hành như chào bán trái phiếu, thì bất kì số tiền thu được nào cũng có thể kích hoạt thanh toán cho người cho vay.
Bán tài sản cũng có thể kích hoạt thanh toán. Một công ty có thể có các khoản đầu tư hoặc nắm giữ cổ phần nhỏ trong các công ty khác. Nếu công ty bán những khoản đầu tư đó để kiếm lợi nhuận, người cho vay có thể sẽ yêu cầu thanh toán từ khoản tiền đầu tư đó.
Những ngoại lệ đối với Dòng tiền dư thừa
Một số trường hợp ngoại lệ không cần phải sử dụng dòng tiền dư thừa để kích hoạt thanh toán cho người cho vay, chẳng hạn như bán hàng tồn kho.
Một công ty trong quá trình hoạt động bình thường có thể cần phải mua và bán hàng tồn kho để tạo thu nhập hoạt động. Do đó, có khả năng việc bán tài sản, bao gồm hàng tồn kho sẽ được miễn nghĩa vụ trả trước.
Các chi phí hoặc chi phí vốn khác có thể không cần phải kích hoạt thanh toán cho người cho vay, như tiền mặt được giữ tại ngân hàng để giúp thanh toán cho một sản phẩm tài chính nhằm phòng ngừa rủi ro thị trường cho công ty.
Hạn chế khi sử dụng Dòng tiền dư thừa
Như những số liệu tài chính khác, sử dụng dòng tiền dư thừa cũng có những hạn chế trong việc sử dụng làm thước đo hiệu suất của công ty.
Số tiền được coi là vượt quá được xác định bởi người cho vay và không đại diện cho dòng tiền thực sự của công ty, bởi vì một số mục đã trừ khỏi tính toán để giúp doanh nghiệp cải thiện hiệu suất của mình, đảm bảo trả nợ.
Ví dụ về Dòng tiền dư thừa
Giả sử công ty A có kết quả tài chính sau vào cuối năm:
Thu nhập ròng: $1.000.000
Chi phí vốn cho hoạt động: $500.000
Lãi suất trả nợ bằng tiền mặt: $100.000
Giả sử rằng cả chi phí vốn cho hoạt động và lãi suất trả nợ bằng tiền mặt được cho phép theo hợp đồng tín dụng, nghĩa là công ty có thể sử dụng tiền mặt cho các chi phí đó.
Tuy nhiên, bất kì khoản tiền mặt nào còn lại sau khi trừ các chi phí từ thu nhập ròng sẽ được coi là dòng tiền dư thừa và buộc phải kích hoạt thanh toán cho người cho vay.
Dòng tiền dư thừa: $1.000.000 - $500.000 - $100.000 = $400.000
Tỉ lệ phần trăm của dòng tiền dư thừa để thanh toán theo hợp đồng: 50%
Vậy khoản thanh toán cho người cho vay: $400.000 * 50% = $200.000
(Theo Investopedia)