Thuỷ lợi hoá nông nghiệp (Agricultural irrigation) là gì?
Mục Lục
Thuỷ lợi hoá nông nghiệp
Thuỷ lợi hoá nông nghiệp trong tiếng Anh gọi là: Agricultural irrigation.
Thủy lợi hoá là quá trình thực hiện tổng hợp thể các biện pháp khai thác sử dụng và bảo vệ các nguồn nước trên mặt đất và dưới mặt đất cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt ở nông thôn, đồng thời hạn chế các tác hại của nước gây ra cho sản xuất và đời sống.
Thuỷ lợi hoá là tiến bộ khoa học - công nghệ liên quan đến nước của sản xuất nông nghiệp và đời sống nông thôn. Yếu tố nước thường gắn liền với đất đai, sông biển, thời tiết khí hậu v.v...
Vì vậy thuỷ lợi hoá có nội dung rộng lớn với những phạm vi khác nhau trên một vùng, một quốc gia, thậm chí có vấn đề mang tính khu vực và quốc tế.
Thuỷ lợi hoá là tiến bộ khoa học - công nghệ nhằm cải tạo và chinh phục thiên nhiên, trên cơ sở nhận thức các qui luật của tự nhiên, trước hết là các qui luật về nước, thời tiết khí hậu, dòng chảy của sông, suối v.v... luôn có diễn biến phức tạp, vì vậy thuỷ lợi hoá là quá trình lâu dài và phức tạp.
Nội dung
- Trị thuỷ các dòng sông lớn
Trị thuỷ các dòng sông lớn là nội dung trọng yếu của thuỷ lợi hoá, có ý nghĩa quyết định tới việc sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên nước và chinh phục thuỷ tai.
Tuỳ theo đặc điểm hình thành của các con sông, qui luật hoạt động dòng chảy mà việc trị thuỷ các dòng sông mang tính chất vùng, quốc gia hay quốc tế.
- Công tác thủy nông
Công tác thuỷ nông có nội dung chủ yếu là tưới và tiêu nước. Trong các ngành kinh tế quốc dân, nông nghiệp là ngành sử dụng nhiều nước nhất bằng biện pháp tưới. Trong tương lai, ngành thuỷ nông đang ở giai đoạn phát triển cả về số lượng và chất lượng phục vụ.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai, đòi hỏi phải xây dựng hệ thống công trình hoàn chỉnh, đồng bộ, hợp lí và sử dụng tối đa công suất thiết kế.
Hệ thống công trình tưới tiêu hoàn chỉnh là hệ thống bao gồm công trình lợi lớn, lợi vừa và loại nhỏ gắn liền hữu cơ với nhau, trong mỗi công trình đều có đầy đủ các bộ phận cần thiết để có thể đưa nước thông suốt từ đầu nguồn tới chân ruộng và nhanh chóng tháo nước ra khỏi ruộng khi cần thiết.
- Bảo vệ nguồn tài nguyên nước
Tài nguyên nước phân bổ khắp nơi, gồm nước mặt đất và nước ngầm. Nguồn nước dễ bị hoà tan các hoá chất, rác thải, mầu, mùi vị trở nên ô nhiễm, nhất là nguồn nước mặt do chịu ảnh hưởng của các hoạt động của người và động vật.
Công tác bảo vệ tài nguyên nước bao gồm hai nội dung chính sau đây:
+ Phòng chống cạn kiệt nguồn nước
+ Phòng chống ô nhiễm nguồn nước
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế Nông nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo Hà Nội)