Tài trợ xuất khẩu (Export Financing) là gì?
Mục Lục
Tài trợ xuất khẩu
Tài trợ xuất khẩu trong tiếng Anh là Export financing.
Tài trợ xuất khẩu là loại tài trợ mà ngân hàng cấp cho người xuất khẩu nhằm mục đích đẩy mạnh việc xuất khẩu hàng hóa.
Đặc trưng của tài trợ xuất khẩu
Đặc trưng chủ yếu của tài trợ xuất khẩu là được thực hiện ở khâu lưu thông, từ khi người xuất khẩu chuẩn bị nguyên nhiên vật liệu để sản xuất thu mua hàng xuất khẩu đến khi hàng đến tay người nhập khẩu ở nước ngoài. Do vậy, tùy theo loại hàng hóa xuất khẩu, thời hạn tài trợ có thể dài hạn hoặc ngắn hạn khác nhau.
Các loại tài trợ xuất khẩu chủ yếu
Căn cứ vào thời hạn tài trợ:
Căn cứ vào thời hạn, tài trợ xuất khẩu có thể chia thành tài trợ xuất khẩu ngắn, trung và dài hạn. Nhưng như trên đã phân tích, mục đích tài trợ xuất khẩu chủ yếu phục vụ cho khâu lưu thông, do vậy, loại hình tài trợ xuất khẩu chủ yếu vẫn là ngắn hạn.
Đối với loại tài trợ xuất khẩu ngắn hạn, phổ biến nhất vẫn là tài trợ vốn lưu động và tài trợ ngoại thương.
Căn cứ theo các công đoạn của quá trình sản xuất và quá trình lưu thông:
Với đặc trưng chủ yếu của tài trợ xuất khẩu là được thực hiện ở khâu lưu thông, do vậy, tài trợ xuất khẩu được chia làm 2 loại: tài trợ xuất khẩu trước khi giao hàng và tài trợ xuất khẩu sau khi giao hàng.
- Tài trợ xuất khẩu trước khi giao hàng: là loại tài trợ mà ngân hàng cấp cho các doanh nghiệp xuất khẩu vay vốn để mua nguyên nhiên vật liệu (đầu vào) để sản xuất, chế biến hàng hóa xuất khẩu.
- Tài trợ xuất khẩu sau khi giao hàng: là loại tài trợ cấp cho nhà sản xuất hàng xuất khẩu khi đã có bộ chứng từ gửi hàng (shipping documents) hoặc hối phiếu đòi nợ kì hạn đã được chấp nhận còn thời gian. Loại tài trợ này được thực hiện theo nguyên tắc luân chuyển.
Có nghĩa là, khi ngân hàng căn cứ vào bộ chứng từ gửi hàng để cho vay thì đồng thời ngân hàng cũng thu hồi các khoản vay trước khi giao hàng (nếu có).
Tài trợ xuất khẩu sau khi giao hàng thường được cấp dưới các hình thức chủ yếu như: ngân hàng chiết khấu bộ chứng từ gửi hàng trong phương thức thanh toán hàng xuất khẩu theo L/C, nhờ thu hay cho vay thế chấp bộ chứng từ gửi hàng.
(Theo Giáo trình Tài trợ thương mại Quốc tế, trường ĐH Ngoại thương, NXB Thống kê)