Thuế chống bán phá giá (Anti-dumping duties) là gì? Các nội dung về thuế chống bán phá giá
Mục Lục
Thuế chống bán phá giá (Anti-dumping duties)
Thuế chống bán phá giá trong tiếng Anh là Anti-dumping duties.
Thuế chống bán phá giá (Anti-dumping duties) là thuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng trong trường hợp hàng hóa bán phá giá nhập khẩu vào Việt Nam gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.
(Tài liệu tham khảo: Điều 4 Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu)
Các nội dung về thuế chống bán phá giá
Điều kiện áp dụng thuế chống bán phá giá
- Hàng hóa nhập khẩu bán phá giá tại Việt Nam và biên độ bán phá giá phải được xác định cụ thể;
- Việc bán phá giá hàng hóa là nguyên nhân gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.
Nguyên tắc áp dụng thuế chống bán phá giá
- Thuế chống bán phá giá chỉ được áp dụng ở mức độ cần thiết, hợp lí nhằm ngăn ngừa hoặc hạn chế thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước;
- Việc áp dụng thuế chống bán phá giá được thực hiện khi đã tiến hành Điều tra và phải căn cứ vào kết luận Điều tra theo qui định của pháp luật;
- Thuế chống bán phá giá được áp dụng đối với hàng hóa bán phá giá vào Việt Nam;
- Việc áp dụng thuế chống bán phá giá không được gây thiệt hại đến lợi ích kinh tế - xã hội trong nước.
Thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá
Thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá không quá 05 năm, kể từ ngày quyết định áp dụng có hiệu lực. Trường hợp cần thiết, quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá có thể được gia hạn.
(Tài liệu tham khảo: Điều 12 Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu)
Ví dụ thực tế: Ngày 29 tháng 5 năm 2019, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1480/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm nhôm thanh đùn ép có xuất xứ từ Trung Quốc.
Theo đó, mức thuế chống bán phá giá tạm thời được áp dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu nhôm thanh đùn ép của Trung Quốc là từ 2,46% đến 35,58%. Số lượng nhà sản xuất Trung Quốc bị điều tra trong vụ việc là 17 công ty.
(Tài liệu tham khảo: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương)