Thực hành sản xuất tốt (Good Manufacturing Practice - GMP) là gì?
Mục Lục
Thực hành sản xuất tốt
Thực hành sản xuất tốt trong tiếng Anh được gọi là Good Manufacturing Practice - GMP.
GMP là tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt nhằm đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn cho sản xuất.
GMP là một phần cơ bản trong hệ thống quản lí an toàn thực phẩm, là điều kiện tiên quyết cho việc phát triển hệ thống HACCP và các tiêu chuẩn quản lí an toàn thực phẩm ISO 22000.
Nội dung
GMP đưa ra các yêu cầu về:
- Nhà xưởng và trang thiết bị: khu vực nhà xưởng, khu vực chế biến, xử lí thực phẩm, phương tiện vệ sinh, phương tiện chiếu sáng, thông gió, thiết bị và dụng cụ, hệ thống an toàn trong trường hợp khẩn cấp;
- Kiểm soát vệ sinh nhà xưởng, làm vệ sinh nhà xưởng, xử lí chất thải, bảo quản hóa chất nguy hại, đồ dùng cá nhân;
- Kiểm soát quá trình chế biến: đối với nguyên vật liệu, hoạt động sản xuất;
- Kiểm soát về con người: yêu cầu về sức khỏe, cách li nguồn lây nhiễm, vệ sinh cá nhân, giáo dục, kiểm soát;
- Vận chuyển và bảo quản thành phẩm.
Lĩnh vực áp dụng
GMP được áp dụng trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến các sản phẩm yêu cầu điều kiện vệ sinh cao như: Thực phẩm; Dược phẩm; Mỹ phẩm; Thiết bị y tế. Trong lĩnh vực thực phẩm, nhà hàng, khách sạn cũng rất thích hợp cho việc áp dụng GMP.
Ở Việt Nam, theo quyết định của Bộ Y tế, tiêu chuẩn GMP là tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng đối với tất cả các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm.
Lợi ích
Một doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn GMP sẽ cải thiện được cơ bản và toàn diện điều kiện vệ sinh an toàn của cơ sở sản xuất cũng như các hoạt động sản xuất và đáp ứng các yêu cầu của pháp luật về quản lí vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó các lợi ích theo sau mà GMP đem lại là:
- Đáp ứng các yêu cầu của thị trường, luật định;
- Tiêu chuẩn hóa điều kiện vệ sinh và hoạt động kiểm soát vệ sinh nhà xưởng, con người, sản xuất nhằm bảo đảm chất lượng và sự an toàn của sản phẩm;
- Tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai HACCP, IS022000;
- Giảm phần lớn nguy cơ ngộ độc, kiện cáo, phàn nàn của khách hàng;
- Tăng cường uy tín, sự tin cậy, sự hài lòng của nhà phân phối, khách hàng;
- Cải thiện hoạt động tổng thể của doanh nghiệp.
(Tài liệu tham khảo: Các hệ thống quản lí và công cụ cải tiến năng suất chất lượng, Chương trình quốc gia "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020", NXB Hồng Đức)