Thúc đẩy bán hàng (Merchandising) là gì? Bản chất của thúc đẩy bán hàng
Mục Lục
Thúc đẩy bán hàng
Thúc đẩy bán hàng trong tiếng Anh là Merchandising.
Thúc đẩy bán hàng là việc quảng bá hàng hóa và dịch vụ có sẵn để bán lẻ, bao gồm việc xác định số lượng, định giá cho hàng hóa và dịch vụ, tạo mẫu thiết kế trưng bày, phát triển chiến lược marketing và thiết lập chương trình giảm giá.
Thậm chí, theo nghĩa rộng, thúc đẩy bán hàng có thể đồng nghĩa với hoạt động bán lẻ.
Chu kì của việc thúc đẩy bán hàng tùy thuộc theo đặc trưng của văn hóa và khí hậu. Các chu kì này có thể phụ thuộc vào lịch học trên trường lớp, các kì nghỉ theo mùa, kì nghỉ tại các địa phương, cũng như tác động của thời tiết.
Bản chất của thúc đẩy bán hàng
Thúc đẩy bán hàng có thể có nhiều định nghĩa khác nhau và cụ thể hơn, liên quan đến các khía cạnh khác nhau của bán lẻ. Ví dụ, trong marketing, thúc đẩy bán hàng có thể đề cập đến việc sử dụng một sản phẩm, hình ảnh hoặc thương hiệu để bán một sản phẩm, hình ảnh hoặc thương hiệu khác.
Vì các nhà bán lẻ có thể không phải là người sản xuất những hàng hóa mà họ bán, việc đo lường tổng giá trị của doanh số cung cấp cái nhìn sâu hơn về hiệu suất của công ty. Điều này đặc biệt đúng trong thị trường C2C, nơi nhà bán lẻ đóng vai trò làm bên thứ ba để kết nối người mua và người bán, mà không thực sự tham gia vào hoạt động mua bán.
Thúc đẩy bán hàng cũng có thể tạo ra giá trị cho các nhà bán lẻ trong lĩnh vực kí gửi, vì số hàng hóa chứa trong cửa hàng của họ không phải do họ mua về, mà là những hàng hóa được ủy quyền để bán lại. Các nhà bán lẻ trong lĩnh vực kí gửi hoạt động như những người bán lại được ủy quyền bởi các bên khác, để đổi lấy một khoản phí nhận được.
Nói chung, họ không bao giờ là chủ sở hữu thực sự của các mặt hàng, vì các cá nhân hoặc tổ chức đã kí gửi hàng hóa có quyền yêu cầu nhà bán lẻ trả lại chúng nếu họ muốn.
Sự thay đổi của thúc đẩy bán hàng
Trên toàn thế giới, nhưng đáng chú ý nhất là ở Mỹ, hoạt động thúc đẩy bán hàng đang ngày càng thay đổi. Các vai trò và qui tắc của thúc đẩy bán hàng cũng ngày càng phát triển.
Nhiệm vụ trước đây của nhà quản lí cấp cao phụ trách hoạt động thúc đẩy bán hàng của một công ty chủ yếu liên quan đến việc lựa chọn và trình bày sản phẩm, nhưng giờ đây họ có trách nhiệm rộng hơn và hoạt động sâu hơn trong lĩnh vực trải nghiệm khách hàng, cũng như phát triển các thiết kế và tài năng liên quan đến mẫu trưng bày sản phẩm và marketing.
Do người tiêu dùng ngày càng hiểu biết và công nghệ đang đóng một vai trò to lớn trong việc thúc đẩy bán hàng, các doanh nghiệp cần phải đón đầu trước những kì vọng của người tiêu dùng. Đổi mới và thử nghiệm chiếm vai trò trung tâm trong chiến lược thúc đẩy bán hàng của các nhà bán lẻ.
(Theo investopedia)