Thanh tra ngân hàng (Bank Examination) là gì? Hoạt động thanh tra ngân hàng dựa theo những tiêu chí nào?
Mục Lục
Thanh tra ngân hàng
Thanh tra ngân hàng trong tiếng Anh là Bank examination.
Thanh tra ngân hàng là sự đánh giá về sức khỏe tài chính và khả năng phục hồi của một ngân hàng. Các kì thanh tra ngân hàng chủ yếu liên quan đến tình trạng sức khỏe của bảng cân đối của ngân hàng đó. Ngoài ra, chúng cũng bao gồm đánh giá về sự tuân thủ qui định và các biện pháp kiểm soát nội bộ.
Tại Mỹ, việc thanh tra các ngân hàng quốc gia được thực hiện bởi Văn phòng Kiểm soát tiền tệ (OCC), trong khi việc thanh tra các ngân hàng điều lệ nhà nước được thực hiện bởi Công ty Bảo hiểm kí thác liên bang Mỹ (FDIC). Đối với các công ty nắm giữ ngân hàng, việc thanh tra được thực hiện bởi Cục Dự trữ liên bang.
Hoạt động Thanh tra ngân hàng dựa theo những tiêu chí nào?
Quá trình thực hiện thanh tra ngân hàng dựa trên Hệ thống xếp hạng CAMELS, là từ viết tắt của sáu lĩnh vực kiểm tra chính. Chúng bao gồm sự kiểm tra về mức độ an toàn vốn của ngân hàng (capital adequacy), chất lượng tài sản (asset quality), quản lí (management), thu nhập (earnings), thanh khoản (liquidity) và độ nhạy cảm với rủi ro hệ thống (sensitivity to systemic risk).
Dựa trên sáu đặc điểm này, các ngân hàng được xếp hạng theo thang điểm từ 1 đến 5. Mỗi ngân hàng sẽ nhận được một đánh giá riêng cho từng danh mục, cùng với kết quả chung. Thang điểm 1 cho thấy kết quả rất tốt, trong khi thang điểm 5 cho thấy kết quả rất yếu. Nếu một ngân hàng đạt 4 hoặc 5 điểm trong đánh giá tổng quan của mình, ngân hàng sẽ được đưa vào danh sách theo dõi đặc biệt của các cơ quan quản lí.
Các tiêu chí về an toàn vốn liên quan đến vốn cấp 1 và vốn cấp 2 của ngân hàng, và liệu các khoản vốn này có đủ để đảm bảo các hoạt động ngân hàng của mình trong điều kiện khó khăn hay không. Tương tự như vậy, điều kiện chất lượng tài sản liên quan đến các câu hỏi như liệu danh mục cho vay của ngân hàng có đủ đa dạng hay không và liệu các khoản dự phòng rủi ro có phù hợp với định mức của ngành hay không.
Liên quan đến các tiêu chí quản lí, các cơ quan quản lí muốn đảm bảo rằng ban điều hành của ngân hàng có chiến lược hoạt động rõ ràng và nắm được các rủi ro riêng biệt của tổ chức của họ, cũng như một giao thức mạnh mẽ đảm bảo sự tuân thủ pháp luật và quy định. Đối với các tiêu chí thu nhập, các cơ quan quản lý sẽ kiểm tra "chất lượng thu nhập" của ngân hàng và liệu các khoản thu nhập đó có đủ ổn định để hỗ trợ ngân hàng hay không.
Cuối cùng, tiêu chí thanh khoản và độ nhạy cảm liên quan đến mức độ ổn định của ngân hàng khi đối mặt với những cú sốc tiềm tàng đối với hệ thống tài chính. Về tính thanh khoản, các cơ quan quản lí sẽ đo lường khả năng đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của ngân hàng, đánh giá thanh khoản qua hệ số thanh khoản hiện thời, hệ số thanh toán nhanh, hệ số thanh toán tiền mặt.
Khi đánh giá mức độ nhạy cảm của ngân hàng với rủi ro hệ thống, các cơ quan quản lí thường sẽ sử dụng các mô hình tài chính phức tạp - mô phỏng hoạt động tài chính của ngân hàng với các thay đổi bất lợi tiềm tàng khác nhau trên thị trường tài chính. Ví dụ về những thay đổi như vậy bao gồm tăng lãi suất, tăng lãi suất cho vay cơ bản, giảm giá trị nắm giữ đầu tư và các khoản nợ của các đối tác phái sinh.
Ví dụ thực tế về kì thanh tra ngân hàng
Dana là một nhà đầu tư thường xuyên xem xét kết quả thanh tra của các ngân hàng lớn. Trong quá trình sàng lọc đầu tư của mình, anh đọc qua kì thanh tra ngân hàng gần đây nhất cho một ngân hàng quốc gia có tên XYZ Financial.
Tổng kết lại kết quả đánh giá của cuộc thanh tra, Dana thấy rằng XYZ đã nhận được điểm CAMELS là 5 trong danh mục chất lượng tài sản. Tò mò, anh đào sâu hơn để khám phá ra rằng danh mục cho vay của XYZ tập trung cao trong một lĩnh vực cụ thể hiện đang phải đối mặt với sự cạnh tranh từ nhiều đối thủ.
Do sự không chắc chắn trong lĩnh vực đó, các cơ quan quản lí nêu lên mối lo ngại về việc liệu những người vay vốn tại XYZ có thể không trả được nợ không. Trong kịch bản đó, XYZ có thể phải đối mặt với tỉ lệ tổn thất cao hơn bình thường trong danh mục cho vay. XYZ sẽ phải xem lại về khả năng sinh lời, thanh khoản và dự trữ vốn của mình.
Với thông tin này trong tay, Dana quyết định không đầu tư XYZ Financial cho đến khi có thêm sự chắc chắn về chất lượng của danh mục cho vay của ngân hàng.
(Theo Investopedia)