Cơ cấu vốn tối ưu (Optimum capital structure) là gì?
Mục Lục
Cơ cấu vốn tối ưu
Cơ cấu vốn tối ưu trong tiếng Anh gọi là: Optimum capital structure.
Cơ cấu vốn tối ưu là cơ cấu vốn cân đối được giữa rủi ro và lợi nhuận, do đó tối đa hóa được giá cả cổ phiếu công ty. Nhà quản trị tài chính doanh nghiệp có thể thiết lập một cơ cấu vốn tối ưu dựa trên cơ sở định tính và định lượng những nhân tố tác động đến cơ cấu vốn của doanh nghiệp.
Một cơ cấu vốn được coi là tối ưu khi chi phí vốn thấp nhất, đồng thời khi đó, giá thị trường cổ phiếu của doanh nghiệp cũng là cao nhất. Như vậy, có hai căn cứ để xác định cơ cấu vốn tối ưu của doanh nghiệp, đó là chi phí vốn và giá thị trường của cổ phiếu.
Tuy nhiên, giá thị trường của cổ phiếu là tiêu chí mang tính khách quan, không phải chỉ do những nhân tố nội tại của chính sách quản lí vốn của doanh nghiệp quyết định.
Giá cổ phiếu trên thị trường có thể là cao nhất nhưng không phải vì cơ cấu vốn tối ưu mà vì một yếu tố khách quan nào đó tác động. Chi phí vốn thấp nhất sẽ dẫn đến giá cổ phiếu trên thị trường là cao nhất.
Do vậy, thiết lập cơ cấu vốn tối ưu sẽ dựa trên cơ sở xác định chi phí vốn thấp nhất. Tuy nhiên, các doanh nghiệp không thể đạt được điểm cơ cấu vốn tối ưu mà chỉ có thể tiến gần tới điểm cơ cấu vốn tối ưu đó.
Vì thế dựa trên phân tích thống kê các mô hình kinh tế lượng thường được sử dụng để xem xét các nhân tố tác động đến cơ cấu vốn của doanh nghiệp. Nhờ đó giúp doanh nghiệp sẽ xác định được mối quan hệ và mức độ ảnh hưởng của các nhân tố này đến cơ cấu vốn.
Chừng nào cơ cấu vốn của doanh nghiệp chưa đạt đến mức tối ưu, doanh nghiệp có thể tiếp tục sử dụng thêm nợ. Ngược lại, khi cơ cấu vốn của doanh nghiệp đã vượt quá điểm tối ưu, việc sử dụng thêm nợ sẽ bất lợi đối với doanh nghiệp.
Như vậy, có thể thấy, việc thiết lập cơ cấu vốn tối ưu là nội dung quan trọng trong chính sách quản lí vốn của một doanh nghiệp. Bất kì doanh nghiệp nào khi xây dựng chính sách quản lí vốn cũng nhằm vào ba mục tiêu:
- Huy động được vốn với qui mô tối đa
- Xác định cơ cấu vốn tối ưu
- Duy trì được cơ cấu vốn tối ưu
Cả ba mục tiêu trên đều hướng tới mục tiêu cuối cùng là xây dựng, đảm bảo một cơ cấu vốn tối ưu về qui mô và chi phí. Có như vậy, doanh nghiệp mới có cơ hội đầu tư một cách hiệu quả và đa dạng, sử dụng có hiệu quả vốn huy động.
(Tài liệu tham khảo: Thiết lập cơ cấu vốn tối ưu các doanh nghiệp Việt Nam, ThS. Đường Thị Thanh Hải, Tạp chí Công thương, 2017)