Thẩm định kĩ thuật (Technical evaluation) là gì? Yêu cầu
Mục Lục
Thẩm định kĩ thuật
Thẩm định kĩ thuật trong tiếng Anh được gọi là technical evaluation.
Thẩm định kĩ thuật là quá trình xem xét, đánh giá sự thích hợp của công nghệ, nguyên liệu, địa điểm, giải pháp xây dựng, biện pháp giảm thiểu tác hại đối với môi trường đã nêu trong hồ sơ dự án so với nội dung và các mục tiêu của dự án đầu tư, trên cơ sở các chủ trương, chính sách, qui định của Nhà nước, của ngành tại thời điểm thẩm định dự án.
Nhiệm vụ
Nhiệm vụ của công tác thẩm định kĩ thuật
Căn cứ vào các thông tin đã có và kinh nghiệm của mình kết hợp với việc tham khảo, tranh thủ ý kiến của các nhà chuyên môn, Bộ (Sở) quản lí ngành, của Bộ (Sở) Khoa học Công nghệ, Bộ (Sở) Tài nguyên Môi trường, Bộ (Sở) Xây dựng... để có kiến nghị với chủ đầu tư, cấp quyết định đầu tư các giải pháp tốt về kĩ thuật của dự án.
Mục đích
Mục đích của công tác thẩm định kĩ thuật nhằm loại bỏ các dự án không khả thi về mặt kĩ thuật và chấp nhận các dự án khả thi về mặt này.
Điều đó cho phép một mặt tiết kiệm được các nguồn lực, mặt khác tranh thủ được cơ hội để tăng thêm nguồn lực. Bởi vì nếu chấp nhận dự án không khả thi do nghiên cứu chưa thấu đáo hoặc do coi nhẹ yếu tố kĩ thuật, thì sẽ gây tổn thất nguồn lực.
Trong trường hợp bác bỏ dự án khả thi về mặt kĩ thuật do bảo thủ, do quá thận trọng là đã bỏ lỡ một cơ hội để tăng nguồn lực.
Yêu cầu
Thẩm định kĩ thuật nên được tiến hành kĩ lưỡng trước khi đánh giá các khía cạnh khác, kể cả khả năng sinh lời về mặt tài chính và kinh tế của dự án. Vì vậy cần thu thập đầy đủ ý kiến của các chuyên viên kĩ thuật (kể cả những ý kiến đã được đăng tải trên báo chí).
Có thể kết hợp tiến hành điều tra riêng rẽ các vấn đề khác nhau với việc tập hợp nhóm các chuyên gia có trách nhiệm xem xét, đánh giá tổng hợp. Tuy nhiên bước nghiên cứu này phải đi đến kết luận phương pháp kĩ thuật hiện tại có giúp dự án đạt được mục tiêu đã nêu hay không? Dự án có khả thi về mặt kĩ thuật hay không?
Đối với cán bộ thẩm định, để có thêm thông tin phục vụ cho việc đánh giá, phân tích tính khả thi về mặt kĩ thuật của dự án thì ngoài việc xem xét trên hồ sơ dự án và những qui định của nhà nước, của ngành, cán bộ thẩm định cần phải tìm hiểu, thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến dự án thông qua các nguồn:
- Đi thực tế để tìm hiểu về tình hình cung cầu của thị trường nguyên liệu, thị trường công nghệ có thể áp dụng cho dự án.
- Tìm hiểu qua các nhà cung cấp thiết bị, nguyên vật liệu đầu vào, các nhà tiêu thụ sản phẩm tương tự như của dự án để đánh giá tình hình thị trường đầu vào, đầu ra của dự án, yêu cầu của thị trường đối với sản phẩm của dự án.
- Tìm hiểu từ các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài, mạng máy tính...); từ các cơ quan quản lí Nhà nước, quản lí doanh nghiệp...
- Tìm hiểu qua các báo cáo, nghiên cứu, hội thảo chuyên đề về ngành nghề mà dự án định đầu tư.
- Tìm hiểu từ các dự án đầu tư cùng loại.
- Tìm hiểu về địa điểm, hạ tầng nơi sẽ đầu tư dự án, đánh giá phân tích những thuận lợi, khó khăn.
(Tài liệu tham khảo: Thẩm định kĩ thuật và tổ chức quản lí nhân sự của dự án, Trung tâm đào tạo từ xa, ĐH Kinh tế Quốc dân)