Thả neo (Anchoring) trong kinh tế là gì? Hiệu ứng mỏ neo trong kinh tế
Mục Lục
Thả neo
Thả neo trong tiếng Anh là Anchoring.
Thả neo là thuật ngữ dùng để chỉ hành động sử dụng các thông tin không liên quan, ví dụ giá mua của một cổ phiếu, làm mức giá tham khảo để đánh giá hoặc ước tính giá trị chưa xác định của một công cụ tài chính.
Bản chất của thả neo
Thả neo là một khuynh hướng hành vi miêu tả hiện tượng những người tham gia thị trường sử dụng một mức hoặc một ngưỡng giá trị trong tâm lí khi đưa ra các quyết định đầu tư. Khái niệm này là một phần của lĩnh vực tài chính hành vi, nghiên cứu cách cảm xúc và các yếu tố ngoại lai ảnh hưởng đến các lựa chọn kinh tế.
Trong bối cảnh đầu tư, một hệ quả của việc thả neo là những người tham gia thị trường có xu hướng nắm giữ các khoản đầu tư thua lỗ vì họ đã neo giá trị ước tính của chứng khoán đó vào mức giá họ đã mua thay vì theo giá trị thực chất của công ty.
Do đó, những người tham gia thị trường chấp nhận rủi ro lớn hơn bằng cách nắm giữ khoản đầu tư với hi vọng giá chứng khoán sẽ hồi phục lại mức giá họ đã bỏ ra.
Những người tham gia thị trường thường tự nhận thức được rằng mức giá mình đã neo là không đúng và cố gắng điều chỉnh để phù hợp với các thông tin và phân tích sau. Tuy nhiên, kết quả của những điều chỉnh này thường vẫn chịu tác động của mốc giá neo ban đầu.
Hiệu ứng mỏ neo
Hiệu ứng mỏ neo có thể khiến một người tham gia thị trường tài chính, như một nhà phân tích tài chính hoặc người đầu tư đưa ra quyết định không chính xác. Hiệu ứng mỏ neo có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trong quá trình ra quyết định tài chính, từ các yếu tố dự báo đầu vào chính như khối lượng bán hàng và giá cả hàng hóa, đến kết quả cuối dùng như dòng tiền và giá chứng khoán.
Giá trong quá khứ (giá mua vào hoặc giá ở đỉnh) là những mỏ neo phổ biến. Các mức giá này là cần thiết để thực hiện một mục tiêu nhất định, ví dụ để đạt lợi nhuận mục tiêu hoặc thu về một lượng tiền cụ thể. Nhưng những con số này không liên quan đến giá cả thị trường và khiến những người tham gia thị trường từ chối thực hiện các quyết định hợp lí.
Ví dụ về hiệu ứng mỏ neo
Cuộc sống hàng ngày có rất nhiều ví dụ về hiệu ứng mỏ neo. Khách hàng mua sản phẩm hoặc dịch vụ thường tự neo giá chúng vào giá bán tại một cửa hàng hoặc được đề xuất bởi nhân viên bán hàng. Mọi thoả thuận về giá sản phẩm này đều dựa trên con số đó, bất kể giá thành thực tế của nó là bao nhiêu.
Trong thế giới đầu tư, hiệu ứng mỏ neo có nhiều hình thức.
Các nhà giao dịch thường tự neo vào mức giá mà họ đã mua chứng khoán. Ví dụ: nếu một nhà giao dịch mua cổ phiếu ABC với giá 100 USD, thì anh ấy hoặc cô ấy sẽ chịu sự ấn định tâm lí về mức giá đó khi bán hoặc mua thêm cổ phiếu cùng loại, bất kể giá trị thực tế của cổ phiếu ABC dựa trên đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến nó.
(Theo investopedia.com)