Tập quán thương mại (Commercial Practice) là gì? Đặc điểm của tập quán thương mại
Mục Lục
Tập quán thương mại (Commercial Practice)
Tập quán thương mại trong tiếng Anh là Commercial Practice.
Tập quán thương mại là những qui tắc xử sự có hệ thống, những thói quen thương mại phổ biến được áp dụng một cách thường xuyên, liên tục trong một thời gian dài và phải có nội dung rõ ràng mà qua đó có thể xác định được quyền và nghĩa vụ đối với nhau.
Đặc điểm của tập quán thương mại
Các tập quán thương mại quốc tế chỉ có giá trị pháp lí và có hiệu lực bắt buộc đối với các chủ thể kí kết khi nó được qui định hoặc dẫn chiếu vào hợp đồng. Điều 135 Qui tắc ICC về trọng tài qui định "Các trọng tài không chỉ áp dụng luật áp dụng mà còn phải dùng tới các điều khoản trong hợp đồng và những "Tập quán thương mại" thích hợp để giải quyết vụ việc".
Trong những luật trọng tài của các quốc gia cũng qui định như vậy. Một ví dụ về tập quán thương mại quốc tế thông dụng được Phòng thương mại quốc tế soạn thảo và ban hành đó là bản Incoterm: qui định về điều kiện cơ sở giao hàng. Hay là qui tắc thống nhất và thực hành tín dụng chứng từ - UCP cũng tỏ ra rất hữu dụng trong việc hướng dẫn đến một chuẩn mực quốc tế duy nhất cho quyền và nghĩa vụ của các bên.
Tuy nhiên cần phân biệt giữa tập quán thương mại và Lex mercatori (nguyên tắc chung của luật). Thực tế cho thấy có nhiều quan điểm đánh đồng hai phạm trù này và xem hai khái niệm này là đồng nhất với nhau.
Về bản chất, Lex mercatori nghĩa là luật của các thương nhân, luật này bao gồm các qui tắc và thực tiễn đã phát triển trong các cộng đồng kinh doanh quốc tế. Đặc trưng của Lex mercatori chính là bản chất mang tính "tập quán" và "tự phát" nhằm thích ứng được với các nhu cầu của thương nhân thương mại.
Trong thực tế, việc tham khảo và áp dụng tập quán thương mại có thể bổ sung cho những thiếu sót trong luật áp dụng. Có các tập quán chung được các bên trong Hợp đồng chọn áp dụng, với điều kiện các bên phải có thỏa thuận trong Hợp đồng một điều khoản về áp dụng Bộ nguyên tắc Unidroit 2004.
Trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có qui định và không có tập quán được áp dụng thì áp dụng qui định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự.
(Tài liệu tham khảo: Luật kinh tế chuyên khảo, NXB Lao động)