Tái sản xuất xã hội (Social Reproduction) là gì?
Mục Lục
Tái sản xuất xã hội (Social Reproduction)
Tái sản xuất xã hội trong tiếng Anh là Social Reproduction.
Tái sản xuất là quá trình sản xuất được lặp đi lặp lại thường xuyên và phục hồi không ngừng. Tái sản xuất diễn ra trong từng đơn vị kinh tế được gọi là tái sản xuất cá biệt. Còn tổng thể những tái sản xuất cá biệt trong mối liên hệ hữu cơ với nhau được gọi là tái sản xuất xã hội.
Xét về quy mô của tái sản xuất, người ta chia nó thành hai mức độ là: tái sản xuất giản đơn và tái sản xuất mở rộng.
Tái sản xuất giản đơn
Tái sản xuất giản đơn là quá trình sản xuất được lặp lại với quy mô như cũ. Tái sản xuất giản đơn là đặc trưng chủ yếu của nền sản xuất nhỏ.
Trong tái sản xuất giản đơn năng suất lao động rất thấp, thường chỉ đạt mức đủ nuôi sống con người, chưa có sản phẩm thặng dư hoặc nếu có một ít sản phẩm thặng dư thì cũng chỉ sử dụng cho tiêu dùng cá nhân, chứ chưa dùng để mở rộng sản xuất.
Tái sản xuất mở rộng
Tái sản xuất mở rộng là quá trình sản xuất được lặp lại với quy mô lớn hơn trước. Tái sản xuất mở rộng là đặc trưng chủ yếu của nền sản xuất lớn.
Để có tái sản xuất mở rộng thì năng suất lao động xã hội phải đạt đến một trình độ cao nhất định, vượt ngưỡng của sản phẩm tất yếu và tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm thặng dư bởi vì sản phẩm thặng dư dùng để đầu tư thêm vào sản xuất mới là nguồn lực trực tiếp của tái sản xuất mở rộng.
Các khâu của quá trình tái sản xuất xã hội
- Sản xuất là khâu mở đầu, trực tiếp tạo ra sản phẩm, giữ vai trò quyết định đối với các khâu khác bởi vì người ta chỉ có thể phân phối, trao đổi và tiêu dùng những cái do sản xuất tạo ra.
Chính quy mô và cơ cấu sản phẩm cũng như chất lượng và tính chất của sản phẩm do sản xuất tạo ra quyết định đến quy mô và cơ cấu tiêu dùng, quyết định chất lượng và phương thức tiêu dùng.
- Phân phối và trao đổi vừa là khâu trung gian, là cầu nối sản xuất với tiêu dùng, vừa có tính độc lập tương đối với sản xuất và tiêu dùng, vừa có tính độc lập tương đối với nhau.
- Tiêu dùng là khâu cuối cùng, là điểm kết thúc của một quá trình tái sản xuất. Tiêu dùng là mục đích của sản xuất, tạo ra nhu cầu cho sản xuất. Tiêu dùng là "đơn đặt hàng" của xã hội đối với sản xuất. Nó là một căn cứ quan trọng để xác định khối lượng, cơ cấu, chất lượng, hình thức sản phẩm.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế Chính trị Mác – Lenin, NXB Chính trị Quốc gia)