Tài chính xanh (Green Finance) là gì? Sản phẩm tài chính xanh
Mục Lục
Tài chính xanh
Tài chính xanh trong tiếng Anh được gọi là Green Finance.
Tài chính xanh hướng tới tăng trưởng của ngành tài chính trong mục tiêu chung của phát triển bền vững. Chưa có khái niệm thống nhất về tài chính xanh, song cơ bản tài chính xanh được hiểu như sau:
Tài chính xanh liên quan đến việc đa dạng hoá các sản phẩm và dịch vụ tài chính cung cấp bởi các định chế tài chính hướng tới sự phát triển bền vững của quốc gia (UNEP, 2016).
Tài chính xanh là những hỗ trợ về tài chính hướng đến tăng trưởng xanh thông qua việc cắt giảm khí phát thải nhà kính và ô nhiễm môi trường một cách có ý nghĩa (Chowdhury và cộng sự, 2013).
Nội dung
Tài chính xanh là nguyên lí của tín dụng xanh, bao gồm các biện pháp quản lí trong đó yêu cầu các ngân hàng thương mại và các định chế tài chính khác thực hiện các nghiên cứu và phát triển để tạo ra các sản phẩm đối phó với tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo vệ và khôi phục môi trường sinh thái.
Tài chính xanh khuyến khích phát triển và sử dụng các nguồn năng lượng mới, sản xuất các sản phẩm xanh, sản xuất nông nghiệp sinh thái thông qua cho vay ưu đãi lãi suất đối với các doanh nghiệp; đồng thời giới hạn các dự án mới của các doanh nghiệp gây ô nhiễm cùng với việc áp dụng lãi suất cao (Xu, 2013).
Xây dựng tài chính xanh trong hệ thống ngân hàng
Các yếu tố cơ bản của tài chính xanh trong lĩnh vực ngân hàng bao gồm hoạt động cho vay dựa trên thị trường hay các hoạt động kinh doanh đầu tư, bao gồm nghiệp vụ ngân hàng bán lẻ, tài trợ dự án, quản trị tài sản, những khoản cho vay và đầu tư tài chính gắn với trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường.
Trong hoạt động của hệ thống ngân hàng, tài chính xanh không chỉ là việc các ngân hàng giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường trong hoạt động của chính mình mà bao gồm cả việc đảm bảo rằng hoạt động tài trợ của mình phải dành cho các doanh nghiệp xanh và các công nghệ xanh.
Các ngân hàng phải phát triển các sản phẩm tài chính xanh và thị trường xanh hướng tới tăng trưởng kinh tế các-bon thấp.
Các chính sách phát triển tài chính xanh gắn liền với các thỏa thuận và hiệp ước bảo vệ môi trường ở tầm quốc tế, khu vực, quốc gia và từng ngân hàng.
Lưu ý rằng, việc theo đuổi các chính sách phát triển theo các thoả thuận và hiệp ước bảo vệ môi trường ở tầm quốc tế không mang tính bắt buộc. Tuy nhiên các quốc gia đều có động lực để theo đuổi vì phát triển bền vững là mục tiêu mà các quốc gia đang hướng tới.
Sản phẩm tài chính xanh trong hệ thống ngân hàng
Sản phẩm tài chính xanh dành cho cá nhân
- Tài khoản tiết kiệm: Khách hàng tham gia các chiến dịch xanh, không sử dụng tài liệu giấy, trích lợi nhuận đóng góp cho các tổ chức gắn với tăng trưởng xanh.
- Thẻ tín dụng: Khách hàng được hưởng những ưu đãi như chiết khấu, tích lũy điểm dành cho chủ thẻ có những hoạt động thân thiện với môi trường.
- Quĩ: Khách hàng theo đuổi một mức lợi nhuận cố định và bảo vệ môi trường thông qua việc đầu tư vào các công ty xanh hoặc các công ty liên quan tới các hoạt động giảm thiểu khí thải nhà kính.
- Bảo hiểm: Khách hàng mua bảo hiểm xe đạp và được giảm phí bảo hiểm cho các hoạt động thân thiện với môi trường.
- Khoản vay khách hàng cá nhân: Dành cho cá nhân khi mua các sản phẩm thân thiện với môi trường như xe đạp, các loại xe giảm tiêu thụ các-bon.
Sản phẩm tài chính xanh dành cho doanh nghiệp
- Khoản vay thông thường: Các ngân hàng tư nhân cung cấp những khoản vay cho các doanh nghiệp và doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường.
- Khoản vay công: Bao gồm các khoản vay dùng để tài trợ cho việc lắp đặt máy phát điện năng lượng mặt trời, phổ biến năng lượng tái tạo, hợp lí hoá việc sử dụng năng lượng.
- Bảo lãnh công: Bảo lãnh cho một khoản vay cụ thể dùng để tài trợ cho công nghệ xanh, sản phẩm xanh và doanh nghiệp xanh. Bảo lãnh này cho phép các công ty vẫn vay được vốn từ ngân hàng khi không đủ tài sản thế chấp.
- Quĩ công cộng: Là sự kết hợp giữa các nhà đầu tư tư nhân và nhà đầu tư công nhằm để đầu tư vào các doanh nghiệp xanh.
Vì các ngành công nghiệp xanh có rủi ro cao và lợi nhuận cao, quĩ này được xem là phù hợp cho các ngành công nghiệp hơn so với các khoản vay thông thường.
- Bảo hiểm công: Một loại sản phẩm bảo hiểm để loại bỏ các rủi ro trong xuất khẩu và thỏa thuận tín dụng của các doanh nghiệp xanh.
(Tài liệu tham khảo: Tài chính xanh cho tăng trưởng và phát triển bền vững tại Việt Nam, ThS. Hồ Hạnh Mỹ, Học viện Ngân hàng)