Suy giảm tài nguyên nước (Water Degradation) là gì? Nguyên nhân
Mục Lục
Suy giảm tài nguyên nước
Suy giảm tài nguyên nước trong tiếng Anh được gọi là Water Degradation.
Suy giảm tài nguyên nước là quá trình cạn kiệt và ô nhiễm nguồn nước bề mặt cũng như nước ngầm, có thể ảnh hưởng không tốt cho việc cung cấp nước sạch cho tiêu dùng người dân và cho các hoạt động sản xuất.
Trong đó:
- Ô nhiễm tài nguyên nước là hiện tượng các vùng nước như sông, hồ, biển, nước ngầm bị các hoạt động của con người làm nhiễm các chất có thể gây hại cho con người và cuộc sống các sinh vật trong tự nhiên.
Ô nhiễm tài nguyên nước là sự thay đổi thành phần và chất lượng nước không đáp ứng cho các mục đích sử dụng khác nhau, vượt quá tiêu chuẩn cho phép và có ảnh hưởng xấu đến đời sống con người và sinh vật.
- Tài nguyên nước của một vùng hay lưu vực là lượng nước có thể khai thác sử dụng duy trì sự sống và các hoạt động lao động sản xuất, bao gồm nước bề mặt (sông ngòi, ao, hồ, biển) và nước ngầm.
Tài nguyên nước là yếu tố quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng, phục vụ công nghiệp hoá, đô thị hoá.
Nước có vai trò chủ đạo trong nông nghiệp, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng với phát triển thuỷ điện, và nước đóng vai trò thiết yếu trong sinh hoạt và vệ sinh.
Nguyên nhân suy giảm tài nguyên nước
- Nguyên nhân gây cạn kiệt tài nguyên nước
Nguyên nhân gây cạn kiệt tài nguyên nước có thể do tự nhiên như hạn hán, lũ lụt, ngập úng, biến đổi khí hậu, nhưng cũng có thể do các hoạt động sử dụng lãng phí, không hiệu quả của con người, hay do mức tiêu dùng tăng cao khi dân số quá đông.
- Nguyên nhân gây ô nhiễm tài nguyên nước
Ô nhiễm nước có nguồn gốc tự nhiên như do mưa, tuyết tan, gió bão, lũ lụt đưa vào môi trường nước các chất thải bẩn, các sinh vật có hại kể cả xác chất của chúng.
Sự gia tăng dân số, quá trình thải các chất độc hại chủ yếu dưới dạng lỏng như các chất thải sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, giao thông và môi trường nước, cơ sở hạ tầng yếu kém, lạc hậu, ô nhiễm đất, không khí.
Lạm dụng hoá chất trong trồng trọt, nuôi trồng thuỷ sản, thói quen sử dụng nước lãng phí và nước thải sinh hoạt của người dân, quản lí tài nguyên nước yếu kém khiến việc tự ý sử dụng nước ngầm tràn lan,… là những nguyên nhân khiến ô nhiễm nguồn nước.
HIện trạng tại Việt Nam
Nước ta là một trong những đất nước có nguồn tài nguyên nước phong phú, dồi dào nhưng hiện nay, tài nguyên nước ở nước ta đang trong tình trạng suy thoái cả về số lượng và chất lượng.
Về số lượng, Việt Nam hiện nay đang lâm vào tình trạng thiếu nước do tài nguyên nước của Việt Nam phân bố không đều theo thời gian trong năm và giữa các năm.
Cùng với sự phân bố không đều giữa các vùng trong cả nước cũng là một phần nguyên nhân của tình trạng thiếu hụt nguồn nước.
Về chất lượng, tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt ngày càng tăng cả về mức độ và qui mô. Nguồn nước dưới đất ở nhiều đô thị, một số khu vực đồng bằng đã có biểu hiện ô nhiễm do các chất hữu cơ khó phân hủy và hàm lượng vi khuẩn cao.
Các biểu hiện suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới đất đang ngày càng trở nên rõ rệt và phổ biến ở nước ta.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, khối lượng nước thải được xử lí ở khu công nghiệp hiện chỉ được khoảng 65%, đô thị 15%, nông nghiệp 0%. Đây là nguy cơ lớn gây nên suy thoái nguồn tài nguyên nước mặt và nguồn nước ngầm.
Tất cả lượng nước thải không được xử lí hoặc qua xử lí đều đổ vào các hệ thống sông tiêu rồi ra dòng chính hoặc đổ thẳng xuống dòng chính.
Khả năng tự làm sạch các sông có giới hạn, hầu hết các sông ở các thành phố lớn nhỏ của Việt Nam đã trở thành những "dòng sông chết".
Những con sông trước đây còn là những dòng sông trong lành như sông Nhuệ - sông Đáy thì nay là "dòng sông chết".
Những sông lớn trong lịch sử như sông Tô Lịch - Kim Ngưu đều trở thành các kênh nước thải với mức độ ô nhiễm không thể cao hơn. Ở mức độ khác nhau, các hệ thống sông khác cũng đều đang rơi vào tình trạng này.
(Tài liệu tham khảo: Dân số, tài nguyên và môi trường trong phát triển bền vững, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân, 2017. Trường Đại học Xây dựng Miền Tây, Bộ Xây dựng. Ban biên tập tin kinh tế, Thông tấn xã Việt Nam)