Sáp nhập theo ngành (Congeneric Merger) là gì? Đặc điểm và ví dụ
Mục Lục
Sáp nhập theo ngành
Sáp nhập theo ngành trong tiếng Anh là Congeneric Merger.
Sáp nhập theo ngành là một loại hình sáp nhập mà trong đó, hai công ty có cùng ngành hoặc liên quan đến ngành, hoặc cùng thị trường nhưng không cung cấp cùng một sản phẩm.
Trong sáp nhập theo ngành, các công ty có thể chia sẻ cùng các kênh phân phối, cung cấp sự cộng hưởng cho vụ sáp nhập. Công ty mua lại và công ty mục tiêu có thể có công nghệ hoặc hệ thống sản xuất trùng khớp nhau, giúp cho việc tích hợp dễ dàng giữa hai thực thể. Bên thâu tóm có thể xem bên mục tiêu là cơ hội để mở rộng dòng sản phẩm của họ hoặc giành thị phần mới.
Đặc điểm của sáp nhập theo ngành
Sáp nhập theo ngành có thể cho phép công ty mục tiêu và công ty mua lại của nó tận dụng lợi thế của công nghệ hoặc qui trình sản xuất trùng khớp để mở rộng dòng sản phẩm của họ hoặc tăng thị phần của họ. Sáp nhập để mở rộng thị trường (product extension merger) là một loại sáp nhập theo ngành, trong đó, dòng sản phẩm của công ty này được thêm vào dòng sản phẩm của công ty kia. Điều này cho phép công ty sáp nhập được hưởng lợi ích tiếp cận với một cơ sở khách hàng rộng hơn, sau đó có thể tiến đến thị phần lớn hơn và lợi nhuận cao hơn.
Ngoài sáp nhập theo ngành, còn có một số loại sáp nhập khác, chẳng hạn như sáp nhập theo dạng hỗn hợp, sáp nhập theo chiều ngang hoặc sáp nhập theo chiều dọc. Có nhiều lí do tại sao các công ty tham gia vào việc sáp nhập, nhưng các lí do phổ biến thường là: sự tăng trưởng tiềm năng của doanh nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm và hiệu quả chi phí.
Sáp nhập theo dạng hỗn hợp (Conglomerate merger)
Trái ngược với sáp nhập theo ngành, mà trong đó bên mục tiêu và bên mua lại ở các ngành tương đồng, thì sáp nhập theo dạng hỗn hợp xảy ra giữa các công ty không liên quan đến nhau.
Thông thường, hai công ty tham gia và liên quan đến các ngành hoàn toàn khác nhau thì có rất ít sự trùng khớp trong cách họ vận hành doanh nghiệp của họ. Các tập đoàn tìm cách đa dạng hóa công ty của họ bằng cách sở hữu nhiều sản phẩm hoặc doanh nghiệp không liên quan đến nhau. Sự đa dạng hóa này là một phần của chiến lược quản trị rủi ro tổng thể mà có thể giúp công ty tồn tại trong thời kì suy thoái hoặc biến động của thị trường.
Ví dụ thực tế về sáp nhập theo ngành
Một ví dụ về sáp nhập theo ngành là khi ngân hàng khổng lồ Citicorp sáp nhập với công ty dịch vụ tài chính Travelers Group năm 1998. Trong một thỏa thuận trị giá 70 tỉ USD, hai công ty đã hợp tác để tạo ra Citigroup Inc.
Dù cả hai công ty đều làm trong ngành dịch vụ tài chính, nhưng họ có dòng sản phẩm khác nhau. Citicorp cung cấp cho khách hàng dịch vụ ngân hàng truyền thống và thẻ tín dụng. Còn Travelers được biết đến với các dịch vụ bảo hiểm và môi giới. Sự hợp nhất theo ngành giữa hai bên đã giúp Citigroup trở thành một trong những công ty dịch vụ tài chính lớn nhất thế giới.
(Theo Investopedia)