Quyền tác giả (Copyright) là gì? Quyền tác giả có những quyền nào?
Mục Lục
Quyền tác giả (Copyright)
Quyền tác giả - danh từ, trong tiếng Anh được gọi là Copyright, hoặc Patent rights.
Theo Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2013, "Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu".
Lí do phải bảo hộ quyền tác giả là vì việc bảo hộ quyền tác giả sẽ bảo đảm cho người sáng tạo ra tác phẩm cơ sở pháp lí chống lại các hành vi sử dụng trái phép tác phẩm. Mọi hành vi sử dụng tác phẩm đều phải được phép của chủ sở hữu tác phẩm và phải trả tiền cho chủ sở hữu tác phẩm về việc sử dụng đó.
Các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học là thành quả của các nỗ lực sáng tạo của con người. Để tạo ra một tác phẩm có giá trị và sáng tạo đòi hỏi sự đầu tư rất nhiều về trí tuệ, thời gian và tài chính. Việc bảo hộ quyền tác giả cũng chính là bảo vệ cho sự sáng tạo của con người.
Bảo hộ quyền tác giả khuyến khích sự sáng tạo của con người trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học; đem lại cho những người sáng tạo sự tưởng thưởng, động viên về tinh thần và vật chất từ việc khai thác tác phẩm bù đắp những chi phí đã phải bỏ ra cho việc sáng tạo tác phẩm đó. (Theo Baohothuonghieu.com)
Quyền tác giả bao gồm những quyền nào?
Quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản đối với sản phẩm trí tuệ của mình.
Quyền nhân thân
- Đặt tên cho tác phẩm; đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm, nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; công bố, phổ biến hoặc cho người khác công bố, phổ biến tác phẩm của mình; bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho phép người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
- Tác giả không đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm có các quyền nhân thân đối với tác phẩm mà mình sáng tạo gồm: đặt tên cho tác phẩm; đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm, cho phép hoặc không cho phép người khác sửa đổi nội dung của tác phẩm.
- Chủ sở hữu tác phẩm không đồng thời là tác giả có các quyền nhân thân đối với tác phẩm gồm: công bố, phổ biến hoặc cho người khác công bố, phổ biến tác phẩm thuộc sở hữu của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; cho hoặc không cho người khác sử dụng tác phẩm thuộc quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp giữa thoả thuận khác (Điều 19 Luật SHTT, Điều 22 Nghị định 100/106/NĐ-CP).
Quyền tài sản
- Đối với tác giả đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm có các quyền như được hưởng nhuận bút; thù lao khi tác phẩm được sử dụng; hưởng lợi ích vật chất từ việc cho người khác sử dụng tác phẩm dưới các hình thức như xuất bản, tái bản, trưng bày, truyển lãm,… và được nhận giải thuởng đối với tác phẩm mà mình là tác giả.
- Đối với tác giả không đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm có các quyền tài sản đối với tác phẩm mà mình là tác giả gồm: được hưởng nhuận bút; thù lao khi tác phẩm được sử dụng; nhận giải thưởng đối với tác phẩm mà mình là tác giả. Chủ sở hữu không đồng thời là tác giả được hưởng lợi ích vật chất từ việc sử dụng tác phẩm dưới các hình thức xuất bản, tái bản, trưng bày, triển lãm,… (Điều 20 Luật SHTT, Điều 23 Nghị định 100/2006/NĐ-CP)