Quyền hạn (Authority) trong tổ chức là gì? Phân loại
Mục Lục
Quyền hạn trong tổ chức
Quyền hạn trong tiếng Anh được gọi là Authority.
Quyền hạn là quyền tự chủ trong hành động, trong quá trình quyết định và đòi hỏi sự tuân thủ quyết định gắn liền với một vị trí (hay chức vụ) quản lí nhất định trong tổ chức.
Quyền hạn của một vị trí quản lí sẽ được giao phó cho người nào nắm giữ vị trí đó, và như vậy, quyền hạn không liên quan với phẩm chất cá nhân của nhà quản lí.
Chính thành ngữ "một ông vua có thể chết nhưng ngôi vua vẫn còn đó" đã minh họa điều này. Khi một người rời khỏi chức vụ, quyền hạn không đi theo anh ta mà ở lại với vị trí quản lí và thuộc về người thay thế.
Khi các nhà quản lí được trao quyền hạn, họ sẽ phải chịu trách nhiệm - đó là bổn phận phải hoàn thành những hoạt động được phân công và đạt được mục tiêu xác định.
Quyền hạn không gắn liền với trách nhiệm tương ứng sẽ tạo cơ hội cho sự lạm dụng, và ngược lại cũng không thể để một nhà quản lí phải chịu trách nhiệm về một việc nào đó nếu anh ta không có đủ quyền hạn để thực hiện nó.
Quyền hạn là chất kết dính trong cơ cấu tổ chức, là sợi dây liên kết các bộ phận với nhau, là phương tiện mà nhờ đó các nhóm hoạt động được đặt dưới sự chỉ huy của một nhà quản lí, và sự phối hợp giữa các đơn vị có thể được nâng cấp dần.
Nó chính là công cụ để nhà quản lí có thể thực hiện quyền tự chủ và tạo ra một môi trường thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ của từng người.
Phân loại
Trong tổ chức quyền hạn chia làm ba loại: quyền hạn trực tuyến, quyền hạn tham mưu và quyền hạn chức năng, được phân biệt chủ yếu bằng mối quan hệ với quá trình quyết định.
Chuỗi chỉ huy theo nguyên lí thứ bậc
- Quyền hạn trực tuyến là quyền hạn cho phép nhà quản lí ra quyết định và giám sát trực tiếp đối với cấp dưới.
Đó là mối quan hệ quyền hạn giữa cấp trên và các cấp dưới trực tiếp trải dài từ cấp cao nhất xuống tới cấp thấp nhất trong tổ chức, tương ứng với chuỗi chỉ huy theo nguyên lí thứ bậc.
Là một mắt xích trong chuỗi chỉ huy, mỗi nhà quản lí với quyền hạn trực tuyến có quyền ra quyết định cho cấp dưới trực tiếp và nhận sự báo cáo từ họ.
- Quyền hạn tham mưu là quyền cung cấp lờI khuyên và dịch vụ cho các nhà quản lí khác.
Bản chất của mối quan hệ tham mưu là cố vấn. Chức năng của các tham mưu (hay bộ phận tham mưu) là điều tra, khảo sát, phân tích và đưa ra ý kiến tư vấn cho những nhà quản lí mà họ có trách nhiệm phải quan hệ.
Sản phẩm lao động của người hay bộ phận tham mưu là lời khuyên chứ không phải là các quyết định cuối cùng.
Tham mưu còn thực hiện sự trợ giúp trong triển khai chính sách, giám sát và đánh giá; trong các vấn đề pháp lí và tài chính; trong thiết kế và vận hành hệ thống dữ liệu...
- Quyền hạn chức năng là quyền trao cho một cá nhân hay bộ phận được ra quyết định và kiểm soát những hoạt động nhất định của các bộ phận khác.
Nếu nguyên lí thống nhất mệnh lệnh được thực hiện vô điều kiện, quyền kiểm soát các hoạt động này chỉ thuộc về những người phụ trách trực tuyến mà thôi.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, do sự hạn chế về kiến thức chuyên môn, thiếu khả năng giám sát quá trình, quyền hạn này lại được người phụ trách chung giao cho một tham mưu hay một nhà quản lí một bộ phận nào khác.
(Tài liệu tham khảo: Tổ chức và quản lí tổ chức, Trung tâm đào tạo từ xa, ĐH Kinh tế Quốc dân)