Quản lí chuỗi cung ứng bền vững (Sustainable Supply Chain Management - SSCM) là gì?
Mục Lục
Quản lí chuỗi cung ứng bền vững
Quản lí chuỗi cung ứng bền vững trong tiếng Anh được gọi là Sustainable Supply Chain Management - SSCM.
Quản lí chuỗi cung ứng bền vững được định nghĩa là việc tạo ra chuỗi cung ứng phối hợp thông qua việc tự nguyện hội nhập kinh tế, môi trường và xã hội với các hệ thống kinh doanh tổ chức chính được thiết kế để quản lí có hiệu quả và hiệu quả các nguồn nguyên liệu, thông tin, và dòng vốn liên quan đến mua sắm, sản xuất và phân phối sản phẩm hoặc dịch vụ nhằm đáp ứng các yêu cầu của các bên liên quan và cải thiện khả năng cạnh tranh, và khả năng phục hồi của tổ chức trong ngắn hạn và dài hạn (Ahi, 2014).
Quản lí chuỗi cung ứng bền vững có nguồn gốc từ quản lí chuỗi cung ứng, tức là dựa trên việc áp dụng và mở rộng các khái niệm của nó.
Có nhiều quan điểm, nhiều định nghĩa khác nhau về SSCM, tuy nhiên có nhiều quan điểm chung đồng ý là thuật ngữ SSCM đề cập đến việc hội nhập các thực tiễn kinh tế, xã hội và môi trường vào quản lí chuỗi cung ứng.
Carter và Roger (2008) xác định quản lí chuỗi cung ứng bền vững là sự tích hợp chiến lược, minh bạch và đạt được các mục tiêu xã hội, môi trường và kinh tế của tổ chức trong việc điều phối hệ thống các qui trình nghiệp vụ liên tổ chức để cải thiện hiệu quả kinh tế dài hạn của từng công ty và chuỗi cung ứng của nó.
Ý nghĩa
Toàn cầu hóa đã đặt các chuỗi cung ứng phải đối mặt với những thách thức mới, không chỉ đòi hỏi phải thực hiện tốt nhất về kinh tế mà còn phải có trách nhiệm với xã hội và môi trường.
Do đó, các chuỗi cung ứng đang chuyển từ quan điểm kinh doanh thông thường sang một mô hình kinh doanh bền vững hơn bao gồm ba yếu tố phụ thuộc lẫn nhau: kinh tế, xã hội và môi trường.
Với sự phát triển của toàn cầu hoá, tính cạnh tranh của một doanh nghiệp phụ thuộc nhiều hơn vào tính cạnh tranh của chuỗi cung ứng.
Trong môi trường cạnh tranh toàn cầu, hoạt động của một doanh nghiệp không còn được quyết định bởi các quyết định và hành động xảy ra trong doanh nghiệp, thay vào đó nó sẽ phụ thuộc vào việc thực hiện các quyết định và hành động được thực hiện trong toàn bộ chuỗi cung ứng (Naslund và Williamson, 2010).
Tính bền vững đã nổi lên như một vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và xã hội. Sự phát triển nhanh chóng của các nền kinh tế đang phát triển đang đặt áp lực lên tài nguyên thiên nhiên của trái đất.
Các bên liên quan ngày càng tạo ra áp lực cho các công ty không chỉ cung cấp những lợi ích kinh tế mà còn phải giải quyết môi trường và xã hội, còn được gọi là tính bền vững hoặc trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Meixell và Luoma, 2015).
(Tài liệu tham khảo: Tính bền vững và lợi thế cạnh tranh trong chuỗi cung ứng nông sản, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 2018)