Quyền chọn không phụ thuộc vào quĩ đạo của giá tài sản cơ sở (Path-Independent Options) là gì?
Mục Lục
Quyền chọn không phụ thuộc vào quĩ đạo của giá tài sản cơ sở (Path-Independent Options)
Quyền chọn không phụ thuộc vào quĩ đạo của giá tài sản cơ sở trong tiếng Anh gọi là Path-Independent Options.
Quyền chọn không phụ thuộc vào quĩ đạo của giá tài sản cơ sở là quyền chọn mà giá trị không bị ảnh hưởng bởi việc giá của tài sản cơ sở có thể dịch chuyển theo quĩ đạo cụ thể nào trước khi đạt đến cùng một giá trị quan sát được vào ngày đáo hạn quyền chọn.
Giống như các quyền chọn mua và quyền chọn bán chuẩn (dạng căn bản), giá trị mà các quyền chọn thuộc nhóm này đem lại cho người nắm giữ chúng khi đáo hạn chỉ được quyết định bởi giá của tài sản cơ sở tại thời điểm đó.
Việc định giá các quyền chọn này, vì vậy, thường dễ dàng hơn và có thể thực hiện được bằng một mô hình phân tích sẵn có như Black-Scholes.
Phân loại
Quyền chọn nhị phân (binary options)
Quyền chọn nhị phân, đôi khi còn được gọi là quyền chọn số, thực ra là loại quyền chọn rất đơn giản và bao gồm hai loại: Quyền chọn tài sản hoặc không và quyền chọn tiền hoặc không.
Quyền chọn tài sản hoặc không (asset-or-nothing options) đem lại người nắm giữ nó tài sản cơ sở hay giá trị bằng tiền tương đương giá tài sản đó tại thời điểm đáo hạn cao hơn (nếu là quyền chọn mua) hoặc thấp hơn (nếu là quyền chọn bán) giá thực hiện, và không đem lại giá trị gì nếu giá tài sản ở trạng thái ngược lại.
Quyền chọn mua tiền hoặc không (cash-or-nothing call options) đem lại cho người nắm giữ nó một số tiền cố định tại thời điểm đáo hạn nếu giá tài sản khi đó vượt quá giá thực hiện và không đem lại gì nếu giá tài sản nhỏ hơn giá thực hiện.
Ngược lại, quyền chọn bán tiền hoặc không (cash-or-nothing put options) đem lại cho người nắm giữ nó một số tiền cố định tại thời điểm đáo hạn nếu giá tài sản khi đó thấp hơn giá thực hiện và không đem lại gì nếu giá tài sản cao hơn giá thực hiện.
Quyền chọn tùy ý
Quyền chọn tùy ý (chooser option) cho phép nhà đầu tư, tại một thời điểm xác định trong thời gian hiệu lực của quyền chọn, được quyền quyết định quyền chọn đó là quyền chọn mua hay quyền chọn bán với thời gian đáo hạn và giá thực hiện.
Trong một số trường hợp, quyền chọn tùy ý còn có thể được thiết kế với những điều khoản phức tạp hơn như quyền chọn mua và quyền chọn bán trong danh mục chọn lựa của người nắm giữ sản phẩm có giá thực hiện hoặc (và) thời gian đáo hạn khác nhau.
Kết quả mà một quyền chọn tùy ý mang lại tương tự như kết quả của chiến lược kết hợp quyền chọn mua và quyền chọn bán cơ bản (chiến lược "straddle"). Tuy nhiên, khoản phí bỏ ra để nắm giữ quyền chọn ngoại lai này thường thấp hơn so với chi phí để thiết lập chiến lược chỉ sử dụng các quyền chọn tiêu chuẩn nói trên.
(Tài liệu tham khảo, Giáo trình Chứng khoán phái sinh & Thị trường chứng khoán phái sinh, NXB Lao Động)